Buýt nhanh Hà Nội không giống chuẩn thế giới

TP - Đơn vị quản lý cho biết, tuyến buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa vào giờ cao điểm có dấu hiệu quá tải khi nhiều chuyến chở đến 120 khách. Tuy nhiên, vào giờ thấp điểm, số khách trung bình mỗi chuyến chỉ đạt 20 khách/chuyến.
Buýt nhanh tại Hà Nội.

Theo báo cáo kết quả vận hành tuyến BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) sau 8 tháng hoạt động của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), buýt nhanh BRT đã thực hiện trên 82.400 lượt xe (ngày thường 358 lượt, Chủ nhật: 264 lượt), vận chuyển trên 3,2 triệu lượt khách. Dịch vụ của tuyến có độ tin cậy cao: Lượt xe thực hiện đạt 99,99% so với kế hoạch; lượt xe xuất bến đúng giờ đạt tỷ lệ cao (98,9%).

Hành khách bình quân gần 13.000 hành khách/ngày. Vào các cung giờ cao điểm đã bước đầu có dấu hiệu quá tải: bình quân 70 hành khách/lượt xe, nhiều lượt xe vận chuyển từ 105 - 115 hành khách. Bến Kim Mã là điểm đông khách nhất: trên 2.000 lượt khách/ngày. Sản lượng hành khách trên tuyến BRT luôn thuộc nhóm các tuyến có sản lượng hành khách vận chuyển cao trong toàn mạng lưới.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến băn khoăn về hiệu quả hoạt động thấp điểm của BRT, khi lượng khách chỉ đạt 20 người/chuyến. TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết thêm, xe buýt nhanh ở Hà Nội hoạt động chưa hiệu quả bởi chưa hoàn toàn là BRT theo chuẩn quốc tế.

Do còn thiếu những ưu tiên về hạ tầng, đèn tín hiệu ưu tiên, dải phân cách cứng… Từ đó khiến tốc độ lưu thông không cao, nên chưa được người dân chọn lựa. Một số chuyên gia giao thông cho rằng, những con số tăng cao của BRT không phải vì tính ưu việt của BRT, mà bởi toàn bộ những tuyến xe buýt thường song trùng với tuyến BRT hiện nay đều đã điều chuyển. Do đó, người dân muốn di chuyển bằng xe buýt chỉ có thể lựa chọn BRT mà thôi.

Ngày 10/9, tại buổi giám sát tình hình hoạt động buýt nhanh của HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Phạm Đình Đoàn phản ánh về việc nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả sử dụng BRT là chưa thực sự tối đa hóa. Đại biểu Đoàn nêu ý kiến: “Hà Nội có thể tính toán cho xe buýt thường đi chung làn buýt BRT được không để tận dụng hiệu quả sử dụng của làn xe buýt?”, ông Đoàn nói đồng thời kiến nghị Sở GTVT Hà Nội tăng tần suất buýt nhanh vào các khung giờ cao điểm và giảm tần suất ở giờ thường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng ưu ái dành cho BRT là quá lớn nhưng công suất mới đạt 40 -50% là thấp. Tuy nhiên, phải nói thẳng rằng: tuyến BRT đầu tiên ở Hà Nội không giống chuẩn thế giới.

Trong khi thế giới làm có xe 2 khoang, hệ thống thu vé tự động, làn riêng… thì do đặc thù hạ tầng của Hà Nội nên cấu hình xe phải thay đổi cho phù hợp. Ông Hải khẳng định: “Chính tôi tham gia khảo sát các khách hàng của BRT, thì đã có tới trên 23% hành khách trước đây đi làm bằng xe máy, ô tô đã chuyển sang đi BRT. Hành lang văn minh sẽ giúp hút giao thông vào đó để giảm tải giao thông xung quanh”.

Về giải pháp cho phép xe buýt thường đi chung làn với BRT vào khung giờ phù hợp, ông Hải cho biết, không phải xe buýt nào cũng được đi vào làn BRT, bởi buýt thường có điểm đỗ trả khách ngược hướng với BRT.

Nếu cứ vài trăm mét tạt ra lại tạt vào đón trả hành khách thì sẽ gây ùn tắc, mất an toàn giao thông. Do đó, xe buýt chạy chung sẽ không phải xe buýt chạy song trùng với BRT mà đây chỉ là những tuyến buýt gom. Những tuyến buýt này chỉ đi qua vài nhà chờ rồi chuyển hướng đi, phải đảm bảo đủ độ dài tuyến.

Đại diện Sở GTVT cũng cho biết thêm, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi hiện nay BRT chưa chạy hết công suất, hiện nay là 5 phút/lượt xe xuất bến, trong khi công suất là 3 phút/lượt. “Khi tần suất BRT chạy dày lên thì làn đường riêng chỉ dành cho BRT chạy”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến băn khoăn về hiệu quả hoạt động thấp điểm của BRT, khi lượng khách chỉ đạt 20 người/chuyến. TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết thêm, xe buýt nhanh ở Hà Nội hoạt động chưa hiệu quả bởi chưa hoàn toàn là BRT theo chuẩn quốc tế. Do còn thiếu những ưu tiên về hạ tầng, đèn tín hiệu ưu tiên, dải phân cách cứng.