Vietcombank 2016:

Bứt phá, vươn ra biển lớn

TP - Bám sát Ðề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, giai đoạn 2011-2015, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã nỗ lực, tập trung nguồn lực thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra. Ðặc biệt, bất ngờ chuyển mình năng động và trẻ trung, Vietcombank thực hiện "cú bật” đáng nể sẵn sàng cho mục tiêu vươn ra biển lớn trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam.
Lãnh đạo Vietcombank kỳ vọng: Năm 2016 sẽ là năm ngân hàng tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ.

Những con số biết nói

Kết thúc năm 2014, toàn hệ thống Vietcombank phấn khởi khi lần đầu tiên hệ thống đạt một “bộ số tiến đẹp 3-4-5”. Ðây chính là “những con số biết nói” khi  lần đầu tiên Vietcombank đạt được mốc tổng dư nợ trên 300 ngàn tỷ đồng, huy động vốn đạt trên 400 ngàn tỷ đồng và tổng tài sản đạt con số trên 500 ngàn tỷ đồng sau nhiều năm phấn đấu.

Cùng vào năm 2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đặt ra nhiệm vụ cho Vietcombank phải phấn đấu trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam. Ðây là lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngân hàng nhắc đến Ngân hàng số 1 và giao nhiệm vụ “vẻ vang” đó cho 1 ngân hàng cụ thể, đó là Vietcombank.

Cũng từ đây, nhiệm vụ thôi thúc Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên hệ thống cùng nhau hướng tới một đỉnh cao mới tạo một nền tảng vững chắc tiến tới mục tiêu chiến lược. Nỗ lực được đền đáp khi kết thúc năm 2015, tức là chỉ trong vòng một năm hệ thống Vietcombank lại thiết lập nên một kỷ lục mới với một “bộ số tiến khác 4-5-6” còn đẹp hơn kỷ lục lập một năm trước đó.

Những kỷ lục trên thực sự rất “chất” trong hoàn cảnh Vietcombank đã tạo được sự quyết liệt trong việc minh bạch của các con số. Với việc áp dụng phân loại nợ theo cả điều 6 và điều 7 của Quyết định 493 (định tính và định lượng) từ rất sớm (năm 2010), đồng thời là một trong số ít ngân hàng tiên phong chuẩn bị cho việc áp dụng chuẩn mực quốc tế theo Basel II về quản trị rủi ro nên mức trích lập rủi ro của ngân hàng là khá lớn và riêng năm 2015 lên tới gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 32% so với 2014. Cũng chính từ quan điểm minh bạch hóa mà Vietcombank luôn là ngân hàng tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro so với tổng dư nợ xấu ở mức cao nhất thị trường, đạt ~ 95% năm 2014 và trên 100% năm 2015.

“Vietcombank là ngân hàng lành mạnh nhất hệ thống. Ðiều tôi muốn làm khi gắn bó với Vietcombank là cùng Ban lãnh đạo đưa ngân hàng “hòa và “đập” chung nhịp với hệ thống ngân hàng Việt Nam và đột phá bứt lên”.

 Ông Nghiêm Xuân Thành-

Chủ tịch HÐQT Vietcombank

Vietcombank là một ngân hàng hiệu quả cao bởi cấu trúc hợp lý trong danh mục tài sản nợ, tài sản có. Chính nhờ vậy, dù phải trích một phần không nhỏ trong thu nhập cho quỹ dự phòng rủi ro thì lợi nhuận của Vietcombank hàng năm vẫn đạt được mức tăng trưởng. Ðặc biệt trong năm 2015, mức trích lập dự phòng rủi ro gần 6.000 tỷ đồng (con số kỷ lục từ trước đến nay) vẫn không ngăn cản Vietcombank đạt mức lợi nhuận kỷ lục trên 6.600 tỷ đồng, tăng trên 16% so với năm 2014, cao nhất trong giai đoạn 2011-2015. Và với việc dự kiến chặn đứng được đà trích lập dự phòng thì từ năm 2016 tới, kỷ lục 6.600 tỷ đồng ”hứa hẹn” sẽ dễ dàng vượt qua.

…Ðến bàn tay vô hình

Vốn, tài sản là một bàn tay hữu hình nhưng để vỗ được tiếng, tạo được xung lực cần một bàn tay vô hình là những phương thức quản trị tạo động lực thúc đẩy từng bộ phận, từng đơn vị và đến từng cá nhân hành động, quyết tâm thực hiện định hướng và mục tiêu đã đặt ra.

Nhà quản trị giỏi là biết tạo ra những quy trình, quy chế đúng đắn và vận hành thống nhất. Giai đoạn 2011-2015 đặc biệt là năm 2014-2015, Vietcombank đã ban hành và hoàn thiện đồng bộ các quy trình quản trị và triển khai nhiều dự án chuyển đổi chiến lược cấu trúc phù hợp với mô hình ngân hàng hiện đại.

Ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch HÐQT Vietcombank

Về mô hình, Vietcombank đã triển khai mô hình phê duyệt tín dụng tập trung, tài trợ thương mại tập trung và kiểm tra kiểm soát tập trung nhằm đảm bảo tính độc lập khách quan phục vụ khách hàng cũng như công tác giám sát hoạt động tuân thủ trong nội bộ. Ngoài ra, ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu lại khối vốn, khối tín dụng, khối quản lý rủi ro thông qua thành lập mới và bổ sung chức năng nhiệm vụ một số Phòng, Ban, Trung tâm tại Trụ sở chính.

Về các cơ chế quản trị nội bộ, Vietcombank đã xây dựng và ban hành được một lượng các văn bản quản trị đồng bộ. Quy chế quản lý cán bộ, Quy chế xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đi liền với việc khen thưởng thực chất, áp dụng KPIs... Ðặc biệt, sự thay đổi lớn về nhận thức khi các quy trình, quy chế nội bộ đã hướng mọi tổ chức, cá nhân vào hoạt động hướng đến khách hàng. Sự thay đổi dễ nhận thấy đó là từ sự thụ động đã thay vào bằng sự chủ động đi tìm kiếm khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ…

Cú bật  thương hiệu trị giá 157 triệu USD

Vào tháng 3/2015, Brand Finance, hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới công bố thương hiệu 500 ngân hàng có giá trị lớn nhất trên thế giới trong đó Brand Finance  đánh giá thương hiệu Vietcombank ở mức A+, cao nhất  so với các ngân hàng tại thị trường Việt Nam với trị giá thương hiệu Vietcombank là 157 triệu USD. Thông tin lập tức được thị trường chứng khoán hào hứng đón nhận, cổ phiếu Vietcombank  liên tục tăng trần.

Vào 23/12/2015, Vietnam Report công bố Báo cáo ngành ngân hàng năm 2015 với chủ đề “Uy tín truyền thông và biến động giá cổ phiếu – Mối quan hệ thuận chiều qua trường hợp ngành Ngân hàng”. Xét theo kết quả tính toán cuối cùng, Vietcombank đã xuất sắc vươn lên vị trí dẫn đầu Bảng xếp hạng uy tín truyền thông ngành Ngân hàng năm 2015 với điểm tuyệt đối không có đối thủ cạnh tranh. Ðiều này đã khẳng định 3 vấn đề: gốc là kinh doanh của ngân hàng là vững mạnh, công tác truyền thông được làm tốt và cuối cùng kết tinh ở giá cổ phiếu  chính là sự đánh giá đánh giá khách quan với thế mạnh vượt trội trong ngành mà cổ đông và thị trường đã dành cho ngân hàng này.

Tuy nhiên, không chỉ có hình ảnh bên ngoài xã hội mà hơn thế với người nhà, truyền thông nội bộ và truyền thông hướng tới khách hàng, Vietcombank đang hoạt động cực kỳ hiệu quả.

Hơn 1 năm qua, các kênh truyền thông nội bộ từ Bản thông tin nội bộ, Ðặc san Người dẫn đầu, Bản tin hình Vietcombank News, Fanpage và Website Vietcombank đã nhận được sự quan tâm sát sao của Ban lãnh đạo và truyền tải những thông điệp của Ban lãnh đạo tới từng người lao động (một phần hướng ra bên ngoài) luôn cập nhật nhanh chính xác. Bằng những hình ảnh thực tế của những chi nhánh, những cá nhân xuất sắc trong hoạt động được vinh danh, khen thưởng xứng đáng bằng nhiều hình thức đa dạng như tham quan học tập ở nước ngoài, trao thưởng hàng tháng, hàng quý, nêu danh trên các phương tiện thông tin nội bộ…Vietcombank lập tức thu hút sự chú ý và hào hứng của CBCNV toàn hệ thống.

…Tới kỳ vọng một năm Bính Thân - 2016 bứt phá

Còn nhớ, ngày mới “bén duyên”, nói về Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành khi đó là Tân Tổng giám đốc chia sẻ: “Vietcombank là ngân hàng lành mạnh nhất hệ thống. Ðiều tôi muốn làm khi gắn bó với Vietcombank là cùng Ban lãnh đạo đưa ngân hàng “hoà” và “đập” chung nhịp với hệ thống ngân hàng Việt Nam và đột phá bứt lên”.

Nói về năm Bính Thân 2016, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank không giấu được niềm phấn khích: “Chúng tôi có niềm tin vững chắc từ năm 2016, Vietcombank sẽ kiểm soát được chất lượng tín dụng và tín hiệu đầu tiên là chặn đứng và thậm chí sẽ giảm được được việc trích lập dự phòng. Ðây cũng là cơ sở để Vietcombank đặt một mức tăng trưởng kỷ lục về lợi nhuận cho năm Bính Thân 2016 với mức tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay, cùng với đó là các chỉ tiêu khác cũng được Vietcombank đặt ra với một mốc cao mới”.

Với những tiền đề lập được trong giai đoạn 2011-2015 cũng như việc liên tục phá những kỷ lục gần đây, năm 2016 dự kiến sẽ là một năm bức phá mạnh mẽ của Vietcombank sau những bước chuyển mình liên tục.

Theo lộ trình Vietcombank đặt ra: Ðến hết năm 2015, phấn đấu trở thành NH hàng đầu Việt Nam có tầm ảnh hưởng khu vực, có vị trí thứ 400 trong Top 1.000 Tập đoàn tài chính Ngân hàng lớn nhất thế giới, bước đầu triển khai áp dụng các chuẩn mực quốc tế theo Basel II về quản trị rủi ro. Năm 2018, trở thành NH đứng đầu về bán lẻ, đứng thứ hai về bán buôn và được khách hàng ưa thích nhất. Ðến năm 2020, trở thành NH số một tại Việt Nam, một trong 300 Tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.