Những năm mất mùa, bưởi Phúc Trạch có giá 40.000 – 60.000 đồng/quả. Hiện giá bưởi chỉ bằng một phần mười giá kia.
Hai tuần trước Tết Trung thu, vào một ngày đầy ắp nắng và nóng, chúng tôi về xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nơi có bưởi Phúc Trạch nổi tiếng, thương hiệu một trong bảy loại quả được Bộ NN&PTNT công nhận là đặc sản, cấm xuất khẩu giống.
Trở đi mất giá…
“Phải đến rằm mới đúng mùa” - ông Trần Anh Giai, xóm Sáu, xã Phúc Trạch, chủ nhân cây bưởi dòng đoạt giải nhất cuộc thi quốc gia đọ với 54 vườn bưởi năm 2000, nói.
Còn ông Hoàng Trung Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch đoán, đến rằm Trung thu, Phúc Trạch sẽ cho 3.300.000 quả, gấp 10 lần so với mùa thu hoạch năm ngoái.
Loại bưởi với mùi và vị hơi chua này, theo Hội Huynh Đệ Việt Nam có trụ sở ở Pháp, rất được các nước công nghiệp chuộng. Hội Huynh Đệ cho lập Cty mang tên Đông Nam đặt trụ sở tại thành phố Hà Tĩnh để với mong muốn đưa bưởi Phúc Trạch xuất ngoại.
Ấy vậy mà, vào lúc chỉ còn cách rằm Tháng Tám hơn chục ngày, các gia đình ở Phúc Trạch trúng mùa to sau hơn thập niên mất mùa vẫn lúng túng, không biết làm cách nào để đưa đặc sản đến mâm cỗ Trung thu ở mọi miền.
Lại bài ca muôn thuở, được mùa mất giá. Những năm mất mùa, bưởi Phúc Trạch có giá 40.000 – 60.000 đồng/quả. Năm nay, bà Dương Thị Minh, cũng dân xóm Sáu, than chuyện lái buôn về làng ép giá, chỉ bằng một phần mười giá kia: “Giá nớ thà để ăn còn hơn”.
Mùa bưởi Phúc Trạch, chỉ kéo dài ba tháng, từ tháng Bảy âm đến tháng Chín âm lịch. “Đến tháng Mười âm lịch, bưởi không ngon nữa” - ông Nguyễn Minh Thư, chồng bà Minh, nói. Năm nay, bưởi Phúc Trạch bất ngờ trổ hoa đậu quả và muộn so với quy luật. Bởi thế, đỉnh điểm độ ngon của nó bị lùi sau Trung Thu.
Không rõ có phải vì lý do ấy mà chúng tôi không thấy bóng dáng thương lái, cũng không thấy bà con tính kế mang bưởi đi xa. Ông Hoàng Trung Thành cho biết Cty Đông Nam của Hội Huynh Đệ đã bỏ cuộc. Địa phương cho lập hợp tác xã Lập Thành để đưa bưởi ra thị trường. Tổ hợp này hoạt động ra sao, không thấy ông Thành đả động.
… trở lại mất ngon
“Đau” nhất có lẽ là bưởi không ngon như trước nữa, như thời nó từng được phong danh hiệu “hoa hậu bưởi xứ Đông Dương” và nhận mề đay trong các lần đấu xảo quả ngon do Pháp tổ chức đầu thế kỷ 20. TS Trần Duy Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Khí tượng Thuỷ văn, thử múi bưởi từ cây ngon nhất, nhăn mặt: “Chua”.
Vị của bưởi hóa ra có vấn đề từ mấy năm nay. Nhiều người ta thán thường mua phải bưởi Phúc Trạch rởm. “Không phủ nhận chuyện bưởi Phúc Trạch bị giả mạo nơi này nơi khác nhưng, khi nếm ngay tại chính gốc của Phúc Trạch mà thấy thế này, làm sao mong tìm được Phúc Trạch thật được nữa” - Ông Hồ Minh Tú, quê Nghệ An, sinh cơ lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, băn khoăn.
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính khiến bưởi Phúc Trạch giảm ngon là do trách nhiệm của con người. Theo ông Hoàng Trung Thành, năm 1994, toàn Phúc Trạch chỉ có 40 ha bưởi. Sau đó, lãnh đạo huyện Hương Khê ra nghị quyết chuyển đổi đất trồng màu không hiệu quả sang trồng bưởi. Riêng Phúc Trạch nâng diện tích lên 100 ha.
Các xã lân cận cũng thi đua. Tốp trọng điểm có thêm Lộc Yên, Hương Đô, và Hương Trạch. Toàn huyện 21 xã có tới 14 xã trồng bưởi, tổng cộng 1.423 ha, theo ông Trịnh Xuân Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học&Chuyển giao Công nghệ huyện Hương Khê. Nếu chỉ tính 1.180 ha đang cho thu hoạch, diện tích bưởi giống Phúc Trạch lớn gấp hơn 11 lần so với diện tích vùng bưởi gốc. Không dừng ở đó, theo ông Lê Công Lương, Chủ tịch Liên hiệp Hội KH&KT Hà Tĩnh, đến năm 2010, tỉnh miền Trung nghèo còn đưa diện tích trồng bưởi lên 2.000 ha.
Mất mùa và suy giảm chất lượng
Không những tăng diện tích, người ta còn bắt đất làm việc nhiều hơn bằng cách tăng mật độ cây trồng. Vẫn theo ông Thành, trong khi diện tích đất trồng bưởi ở thánh địa Phúc Trạch chỉ tăng 1,5 lần, số cây bưởi tăng gấp hai lần, nhiều hơn 21.000 cây so với năm 1994.
Vì mục tiêu tăng năng suất, hàng loạt biện pháp kỹ thuật được thực hiện. Từ năm 1999, bảy dự án đầu tư và nghiên cứu được triển khai. Hiếm cây nào trong trong số 16 loại cây mà Bộ NN&PTNT chọn làm sản phẩm hội nhập được ưu ái nhiều như bưởi Phúc Trạch.
Kết quả của ý chí con người là gì? Kỹ sư Đào Nghĩa Nhuận, Tổng Thư ký Hội KH&KT Nông nghiệp Hà Tĩnh, khẳng định, từ năm 1998 đến nay, bưởi mất mùa liên tục. Báo cáo của UBND Huyện Hương Khê cho thấy, tỷ lệ đậu quả 10 năm qua chỉ đạt 7-22 phần trăm so với các năm bình thường; mỗi năm thất thu một triệu quả và tổng thất thu từ năm 1998 đến nay là 1.000 tỷ đồng.
Trong khi chưa lý giải được nguyên nhân sâu xa dẫn đến mất mùa và suy giảm chất lượng bưởi Phúc Trạch, ông Nhuận thấy một hiện tượng đáng chú ý khác: Giai đoạn mất mùa và giảm chất lượng bưởi Phúc Trạch trùng với thời kỳ các vườn bưởi truyền thống bị phá vỡ. Vườn bưởi truyền thống được bao bọc bởi bờ rào tre, cây, cọ; bên trong, bưởi trồng xen với các cây nông nghiệp khác.
Các cây bưởi, nhất là bưởi thực sinh (trồng từ hạt), trong những vườn tạp như thế còn sót lại ở một số nơi như hộ ông Trần Quyết Thắng (xóm Hai, xã Hương Đô), ông Cao Kim Liêm (xóm Sáu, xã Hương Trạch), ông Nguyễn Văn Chính (xóm Yên Sơn ,xã Lộc Yên), v.v… Chúng vẫn thi gan với tuế nguyệt, cho quả sòn sòn trong khi các loại cây lai, chiết, ghép, đều hỏng quả dù đậu lắm hoa.
Chưa hết lo bài toán năng suất phập phù, chất lượng đi xuống, người ta lại hoài nghi kế hoạch mở rộng diện tích bưởi Phúc Trạch lên 2.000 ha vào năm 2010. Ông Nhuận, từng làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, dẫn số liệu niên giám thống kê 2005 Hà Tĩnh, theo đó, tổng diện tích đất vườn và đất ở của 21 xã/thị trấn, huyện Hương Khê, là 668 ha.
Nếu đưa diện tích bưởi Phúc Trạch lên 2.000 ha và diện tích cây ăn quả nói chung lên 3.200 ha, kỹ sư Nhuận hỏi “Sẽ trồng ở đâu, trên đất nào, chuyển đổi từ đất cây trồng nào sang, có cho phép về mặt kỹ thuật không, có quy hoạch chưa, trong khi chỉ còn ba năm nữa là đến 2010?”.
Ông Nhuận còn cảnh báo việc mở rộng diện tích bưởi Phúc Trạch ra khỏi phạm vi xã Phúc Trạch sẽ gặp hai bất lợi lớn. Thứ nhất, dán nhãn thương mại Phúc Trạch, mà Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận là thương hiệu hàng hóa từ năm 2004, cho bưởi trồng ở các xã khác là gian lận thương mại, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bất lợi thứ hai được ông Nhuận khẳng định đang gây thiệt hại cho bà con trồng bưởi. Theo đó, mở rộng diện tích trồng bưởi Phúc Trạch ra các xã khác khiến cho việc bảo hộ trở nên khó khăn hơn, bưởi Phúc Trạch bị lẫn lộn với bưởi khác ngay từ sân nhà.
“Chủ trương như rứa, vô hình trung, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng” – Kỹ sư Nhuận nhận định- Chứ dù ít ngon hơn trước, bưởi Phúc Trạch vẫn giữ hương vị không lẫn vào đâu được so với các loại bưởi khác”.