Bước sa chân của một cán bộ phụ nữ

Chuỗi ngày chui nhủi trốn tránh pháp luật của những tội phạm truy nã và quyết tâm lần theo tội phạm của các chiến sĩ cảnh sát truy nã thực sự là một cuộc “đấu trí, đấu lực” dai dẳng.

Bước sa chân của một cán bộ phụ nữ

Chuỗi ngày chui nhủi trốn tránh pháp luật của những tội phạm truy nã và quyết tâm lần theo tội phạm của các chiến sĩ cảnh sát truy nã thực sự là một cuộc “đấu trí, đấu lực” dai dẳng.

Sau bao nhiêu năm tháng vất vả, cực nhọc trốn chạy, Nguyễn Thị Hoài Phương trở nên tiều tụy . Ảnh: do Công an tỉnh Quảng Trị cung cấp
 

Đang là cán bộ sáng giá của Hội LHPN H.Triệu Phong (Quảng Trị), Nguyễn Thị Hoài Phương bị đồng tiền dẫn lối và sập xuống hố sâu tội lỗi...

Hoài Phương là một phụ nữ có học thức, từng công tác ở nhiều đơn vị trước khi là cán bộ Hội LHPN H.Triệu Phong. Những người trong cơ quan từng biết đến một Hoài Phương ngoài 30 trẻ trung, năng động, hoạt bát nhưng cũng rất chi li, kỹ càng trong công việc.

Vì thế, Phương được phân công giữ tiền quỹ để lo hỗ trợ người nghèo, đặc biệt giúp chị em phụ nữ trong huyện vay vốn. Chính việc quá “gần gũi” với đồng tiền đã làm cái xấu trong Phương có cơ hội trỗi dậy.

Hồ sơ vụ án “Lê Thị Hoài Phương lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản công dân” ghi rõ câu chuyện bắt đầu từ dạo Phương đổ bệnh và phải vào Bệnh viện T.Ư Huế điều trị cả tháng trời. Đó là thời điểm năm 1992.

Tại đây, Phương quen một phụ nữ lớn tuổi, giữa họ có chút tình đồng hương nên mới dăm ngày đã “xưng em, gọi chị” rất thân mật. Vừa xa nhà, vừa bệnh tật nên họ chia nhau từng bát cháo, quả cam và vẫn liên lạc với nhau đều đặn sau khi ra viện.

“Người chị” của Phương sau đó nhiều lần ra TX.Quảng Trị để thăm “em”. Khi biết Phương là “chủ tài khoản” của Hội LHPN H.Triệu Phong, “người chị” đã đề nghị hùn hạp vốn làm ăn bằng chính tiền quỹ Hội và hứa sẽ trả tiền lãi rất cao. Chưa một lần kinh doanh, Phương thoáng đắn đo, nhưng phần vì nghe những lời ngon ngọt, phần vì u mê trước khoản hời lớn nên đánh liều...

Hai năm đầu êm đẹp, tiền lãi nhận về đều đặn nên Phương ngày càng tin tưởng vào "người chị". Không những dùng tiền quỹ Hội để đầu tư mà Phương còn vay mượn bà con, bạn bè đồng nghiệp để đổ hết vào kênh bạc mong đổi đời nhanh chóng.

Đầu năm 1994, “người chị” bất ngờ biệt tích để lại món nợ lớn hơn 100 triệu và nỗi hoang mang tột độ cho "người em". Và, trong cơn túng quẫn, trong sự bủa vây đến nghẹt thở của các chủ nợ, Phương chọn cách trốn chạy...

Giữa năm 1994, Cơ quan CSĐT (Công an H.Triệu Phong) khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Hoài Phương về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản công dân” và phát lệnh truy nã toàn quốc.

Trong cuộc trốn chạy, điểm đến đầu tiên của Phương là Đồng Nai. Ở đây, Phương nương nhờ một người quen và ngày ngày đi hái hạt điều thuê. Sau 3 năm, để tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng, Phương bỏ lên “vùng đất mới” Lâm Đồng làm công trông rẫy cà phê, nhưng lại quay về Đồng Nai không lâu sau đó. Nơi dừng chân cuối cùng của Phương là TP.HCM, một địa bàn rộng lớn để ẩn mình và làm đủ nghề để sinh sống...

“Những người phụ nữ trốn chạy thường có đặc điểm chung là phải làm việc vặt kiếm sống, rồi đau ốm, khó khăn nối tiếp khó khăn. Số ít có được vỏ bọc hoàn hảo, có vật chất nhưng vẫn luôn thấp thỏm lo sợ và Phương nằm ở trường hợp thứ nhất...”, thượng tá Trần Đức Triệu, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Quảng Trị), nói.

Cảm ơn vì... bị bắt

Vốn là người có học và nhanh nhẹn nên Phương đã ẩn mình rất tốt, mọi dấu vết về nơi ăn chốn ở hoặc những thông tin nhỏ nhất của Phương luôn được xóa sạch.

Suốt một thời gian dài, cơ quan chức năng đã không có được một manh mối nào về Phương và chưa một lần các trinh sát “đến gần” được vị trí của bà chứ đừng nói đến chuyện có thể tâm sự, vận động đầu thú.

Những điều tra viên tham gia vào cuộc truy tìm Phương nói với chúng tôi rằng, họ đã thực sự gặp khó trong việc vận động gia đình gọi Phương ra đầu thú vì không có kết quả, trong khi đó Phương lại chuyển chỗ ở liên tục. Do đó, nhiều lúc vụ án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt...

Đầu năm 2012, nằm trong đợt cao điểm tấn công tội phạm, một nguồn tin thân cận cho cơ quan chức năng biết Phương đang giúp việc cho một gia đình ở TP.HCM. Lập tức, một nhóm điều tra viên lên đường vào Nam. Được sự trợ giúp của Công an TP.HCM, các chiến sĩ cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Trị đã xác định đúng là Phương...

Trưa 3.5.2012, Phương đang ở nhà chủ thì có hai thanh niên đến gọi cửa và hỏi: “Chị Phương, chị bựa ni mần chi ở đây ri?”. Nghe chất giọng Quảng Trị đặc sệt, Phương hoảng hồn, nhưng chưa kịp định thần thì tay của Phương đã bị tra vào còng số 8.

Theo đại úy Lê Thành Dũng, người trực tiếp dẫn giải Hoài Phương từ TP.HCM về Quảng Trị, thì dù bị bắt giữ nhưng tâm trạng của Phương vui vẻ đến lạ thường; khi đến địa phận Quảng Trị, miệng Phương luôn xuýt xoa: “Quê miềng bữa ni khác hè, đẹp hè”. “Phương đã nói lời cảm ơn chúng tôi vì đã bắt, ra quyết định dứt khoát cho số phận. Phương thú nhận, nhiều khi bản thân cũng muốn ra đầu thú nhưng không đủ tự tin. Trong 18 năm trốn chạy pháp luật, Phương cho biết chưa một ngày có giấc ngủ ngon giấc”, đại úy Dũng kể.

Còn thượng tá Trần Đức Triệu, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Trị, cho rằng: “Đầu thú hay bắt giữ cũng thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Chúng tôi bắt họ tức là đã giúp họ chấm dứt cơn ác mộng trong quá trình chạy trốn, được về với gia đình, còn cái giá phải trả cho pháp luật bao nhiêu thì họ phải thực hiện đầy đủ...”.

Theo Nguyễn Phúc
Thanh Niên

Theo Đăng lại