Buộc đóng cửa trường dạy trẻ như tra tấn thời trung cổ

Sáng 21/7, đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT TP.HCM và Q.Tân Bình đã đến Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương - nơi bị tố dùng móc phơi đồ, dép, roi nhựa, khúc cây... để “chăm sóc”, dạy dỗ các em bị tự kỷ kiểm tra và buộc đóng cửa trường.
Công an làm việc với ông Chu Văn Việt sáng 21/7 - Ảnh: Đình Phú

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ trường Chu Văn Việt xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - công ty TNHH một thành viên do Sở KH-ĐT cấp ngày 5/5/2014.

Theo nội dung giấy phép này, ông Việt (44 tuổi, ngụ P.15, Q.Tân Bình) làm chủ sở hữu Công ty TNHH chăm sóc khuyết tật Anh Vương (địa chỉ trụ sở chính 86 Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình); ngành nghề kinh doanh: hoạt động chăm sóc sức khỏe người có công, người già và người tàn tật không có khả năng tự chăm sóc, với vốn điều lệ 1,8 tỉ đồng.

Vin vào giấy phép này, ông Việt cho rằng mình không sai, mà chỉ có “thiếu sót là quên tháo bảng hiệu” Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương xuống.

Công khai hoạt động trá hình

Trong khi đó, “thương hiệu” Anh Vương từ nhiều năm qua đã không hề xa lạ với cơ quan chức năng Q.Tân Bình. Ngày 15/10/2013, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT đã phát hiện trường hoạt động trong tình trạng không có hiệu trưởng từ ngày 19/9/2011 do mâu thuẫn nội bộ.

Đến ngày 3/12/2011, ông Việt dời trường đến địa điểm mới cũng không trình báo cơ quan chức năng. Ngày 26/6/2013, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT mới bất ngờ phát hiện trường này hoạt động tại địa chỉ 86 Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình.

Bà Nga, bà nội của bé Kỳ Nam rơm rớm nước mắt khi thấy hình ảnh cháu trai bị đánh trên báo - Ảnh: Đức Tiến.

Do không có hiệu trưởng để quản lý công tác chuyên môn và ông Việt cũng không có nghiệp vụ về giáo dục chuyên biệt nên Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình đã thu hồi con dấu và quyết định thành lập trường, yêu cầu giải thể để thành lập nhóm trẻ chuyên biệt để hoạt động theo đúng quy định. Thế nhưng ông Việt vẫn điều hành hoạt động của trường bất chấp quy định pháp luật.

Ngày 30/12/2013, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình Châu Văn La đã ký quyết định giải thể trường này nhưng trên thực tế nó vẫn công khai tồn tại hoạt động trá hình với hàng loạt những kiểu hành hạ trẻ tự kỷ phản giáo dục như Thanh Niên đã phản ánh.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Đây không phải là trường nhưng đã hoạt động trá hình, không đúng chức năng”. “Yêu cầu ngay sau khi đoàn điểm tra làm việc xong phải đóng cửa, tiến hành tháo dỡ bảng hiệu”, bà Thanh nói thêm.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?

Nằm sau lưng trụ sở UBND P.15 nhưng vì sao Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương lại có thể ngang nhiên hoạt động bất chấp pháp luật như vậy?

Em Kỳ Nam được ông bà nội từ Long An lên đón về nhà vào sáng 21/7 - Ảnh: Đức Tiến.

Chính Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Kim Thanh cũng khẳng định trong buổi làm việc hôm qua: “Trách nhiệm của địa phương rất là quan trọng, các cơ sở nằm trên địa bàn quận, huyện, phường, xã khi họ có quyết định hoạt động thì bắt buộc họ phải trình báo với địa phương và địa phương phải giám sát, kiểm tra. Việc đội lốt từ một nơi chăm sóc người già, người tàn tật thành một trường tiểu học, mà địa phương cũng không giám sát, phát hiện kịp thời. Đây là việc chúng tôi thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương…”.

Ông Lê Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND Q.Tân Bình, cho biết rất bất bình khi xem những hình ảnh các giáo viên, bảo mẫu đánh đập trẻ tự kỷ. Về trách nhiệm buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, ông Sơn khẳng định sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm.

Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.HCM Võ Văn Luận cũng khẳng định: “Quan điểm của UBND TP là xử lý nghiêm khắc những hành vi sai phạm của đơn vị, cá nhân liên quan. TP sẽ chỉ đạo tổng rà soát các cơ sở dạy trẻ khuyết tật, trong đó có nuôi dạy trẻ tự kỷ trên toàn địa bàn”.

Có dấu hiệu phạm tội hình sự

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Minh Thuận (Công ty luật Sài Gòn VN), khẳng định theo thông tin mà Báo Thanh Niên phản ánh thì các giáo viên, bảo mẫu có dấu hiệu phạm tội "hành hạ người khác" được quy định tại điều 110 bộ luật Hình sự.

Điều luật này nêu rõ: “Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp như phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, hoặc phạm tội với nhiều người thì phạt tù từ 1 năm đến 3 năm”.

Cố nán lại nhìn bạn bè trước khi theo ông bà nội trở về nhà - Ảnh: Đức Tiến.

Luật sư Thuận phân tích, theo điều luật thì tội phạm hoàn thành khi có 2 dấu hiệu là “các cháu bị đối xử tàn ác” và “các cháu bị lệ thuộc vào các giáo viên, bảo mẫu”. “Với chứng cứ mà phóng viên ghi nhận thì dấu hiệu phạm tội này tương đối rõ”, luật sư Thuận khẳng định. Ngoài ra, trong trường hợp nếu phát hiện các giáo viên, bảo mẫu hành hạ và gây thương tích cho trẻ thì hành vi đó có dấu hiệu phạm tội "cố ý gây thương tích” hoặc “gây tổn hại cho sức khỏe người khác" được quy định tại điều 104 bộ luật Hình sự.

Phụ huynh bàng hoàng

Sáng qua nhiều người thân của các em học sinh sau khi đọc báo đã vội vàng chạy lên trường đón con, cháu về nhà. PV Thanh Niên đã chứng kiến ai nấy đều bần thần, mắt đỏ hoe. Thương cảm nhất là trường hợp em Kỳ Nam (8 tuổi, quê Cần Đước, Long An). Khi Nam mới 2 tuổi, bố mẹ ly dị nên em ở với ông bà nội. “Mới sáng sớm đọc Báo Thanh Niên, lòng tôi quặn thắt, ruột gan như bị cắt khúc. Phải chắt chiu lắm tôi mới có đủ tiền gửi cháu vào trường nhưng không ngờ cháu lại bị đánh đập. Có lẽ do cháu ít biết nói nên chưa thể tự kể lại việc bị đánh”, bà Nga - bà nội Kỳ Nam rưng rức.

Bên cạnh đó, rất nhiều bạn đọc đã gửi email, gọi điện thoại đến tòa soạn Thanh Niên bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi các cô giáo và bảo mẫu. Bà Huệ, ở Đà Nẵng, mẹ của em Minh Sang uất nghẹn nói qua điện thoại: “Đọc xong bài báo, nhìn hình ảnh con bị hành hạ, ngược đãi, tôi rụng rời chân tay”. Theo chia sẻ của bà Huệ, Sang (11 tuổi) bị tự kỷ từ nhỏ. Gia đình gửi em vào trường chuyên biệt để nhờ chăm sóc, dạy dỗ với mong muốn em tiến bộ. Vợ chồng bà đã tìm hiểu nhiều trường và quyết định chọn trường này “vì cứ nghĩ đây là một ngôi trường tốt có thể yên tâm gửi con theo học”. Em Minh Sang vào học từ 13.7.2013, gia đình phải đóng 5 triệu đồng cơ sở vật chất, học phí cho mỗi tháng là 8 triệu đồng (nộp trước theo quý, tức 24 triệu đồng/quý). Bước sang năm 2014, trường lại thông báo phải đóng thêm 3 triệu đồng tiền cơ sở vật chất và 3 triệu đồng tiền khám sức khỏe định kỳ hằng tháng. Với số tiền này vợ chồng bà Huệ phải chấp nhận cảnh sống xa nhau, một người làm việc ở Đà Nẵng, một người làm việc ở Đồng Nai để có tiền đóng tiền học cho con.

 
Theo Báo Thanh Niên