Buộc chỉ cổ tay dưới dãy Giăng Màn

TP - Hằng năm, khi các loài hoa đua nhau khoe sắc trên dãy Giăng Màn hùng vĩ, hai tộc người thiểu số Khùa và Mày tổ chức nghi lễ buộc chỉ cổ tay để cầu phúc, cầu may cho người thân cùng bản làng.
Trước khi lên đường nhập ngũ, anh Hồ Diên ở bản Lé (xã Trọng Hóa) được già làng buộc chỉ cổ tay

Mỹ tục ngàn đời

Người Khùa và người Mày ở hai xã Dân Hoá và Trọng Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) quan niệm rằng, trong cuộc đời cần phải có một sợi dây tâm linh ràng buộc hồn vía và thể xác lại với nhau, tựa như chiếc bùa hộ mệnh, vừa bảo vệ vừa mang lại sức khỏe, may mắn. Lễ buộc chỉ cổ tay vì thế được xem là một mỹ tục, không phải mê tín dị đoan, không tốn kém, được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Ngôi nhà sàn của ông Hồ Phâm, trưởng một dòng họ ở bản Lé (xã Trọng Hóa), hôm tổ chức nghi lễ buộc chỉ cổ tay tập trung rất đông người. Khi mọi lễ vật, mâm cỗ đã bày biện xong xuôi, ông Phâm chọn giờ tốt rồi bưng lễ đặt ở gian nhà trang trọng nhất để cúng ông bà tổ tiên trong dòng tộc. Mâm lễ cúng gồm thịt lợn luộc, xôi, một ít muối, nước và một ché rượu cần. Theo ông Phâm, khác với người dưới xuôi là làm giỗ ông bà tổ tiên theo ngày mất, người Khùa, người Mày đều giỗ vào đúng dịp lễ buộc chỉ cổ tay trong tháng Giêng.

Sau khi hoàn thành cúng giỗ ông bà tổ tiên mới đến phần nghi lễ buộc chỉ cổ tay cầu may cho năm mới. Một mâm lễ được ông Phâm cùng con cháu chuẩn bị từ sáng sớm. Ở chính giữa mâm là một cây nến được làm bằng sáp ong cao độ 2 gang tay, bao quanh cây nến là những lá trầu được kết thành hình chóp nón, gần đỉnh chóp cắm các bông hoa mào gà màu đỏ, phía dưới đặt một cuộn chỉ trắng thô mà bà con tự tay mình se, hai tấm vải màu trắng dùng để may váy cho đàn ông, hai tấm vải sọc đen trắng dùng may váy cho phụ nữ. Trên mâm lễ còn đặt các sản vật khác, như: bánh nếp hình chóp gói bằng lá dong (bánh vọt), xôi nếp, thịt gà luộc, thịt lợn luộc, hoa quả, tiền đi lễ của các thành viên trong dòng họ.

Cuối buổi lễ, trong vai trò thầy cúng, già làng Hồ Liêu vân vê từng sợi chỉ và buộc vào cổ tay cho ông Phâm (tộc trưởng) và các thành viên tham dự buổi lễ đi kèm với lời cầu chúc sức khoẻ, gặp những điều tốt lành trong cuộc sống...

Ấm lòng chiến sỹ

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, cho biết, nhiều năm qua, các đợt tuyển quân đều diễn ra vào tháng Giêng, nên hằng năm, khi người Khùa, người May ở đây tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay đều tổ chức luôn cho những thanh niên trúng tuyển đi bộ đội. Năm nào nhà nào, dòng họ nào có con em đi bộ đội thì lễ buộc chỉ cổ tay được tổ chức đàng hoàng, trang trọng hơn.

Ngày 20/2, gia đình ông Hồ Khăm ở bản Lé, xã Trọng Hóa tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay để tiễn chân con trai Hồ Diên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. “Hôm nay, già làng và gia đình miềng làm cái lễ buộc chỉ cổ tay, cầu mong cho thằng Diên lên đường làm nghĩa vụ quân sự có sức khỏe, may mắn, bình an và hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người lính bảo vệ Tổ quốc. Qua đây, cũng căn dặn con khi sống xa nhà phải cố gắng, tập trung rèn luyện để ngày càng trưởng thành hơn…”, ông Khăm chia sẻ.

Lễ buộc chỉ cổ tay tiễn chân Hồ Diên lên đường nhập ngũ năm nay được tổ chức rất long trọng với sự có mặt đầy đủ của các già làng, người có uy tín trong dòng họ, trong bản và cả chính quyền địa phương cùng bộ đội biên phòng. Sau khi tiến hành các bước nghi lễ, già làng Hồ Liêu (chủ lễ) buộc vào cổ tay cho Hồ Diên với lời cầu chúc sức khoẻ, chân cứng đá mềm, gặp những điều tốt lành trong cuộc sống, đặc biệt vững vàng, trưởng thành trong môi trường quân đội.

Được “buộc chỉ cổ tay” trước ngày lên đường nhập ngũ, Hồ Diên rất xúc động trước sự quan tâm, động viên của gia đình, họ hàng, bạn bè, chính quyền địa phương. “Đây là tình cảm thiêng liêng của gia đình, dòng họ và quê hương đã dành cho em; là động lực để em quyết tâm vượt qua những thử thách khi rèn luyện trong quân ngũ. Em hứa sẽ cố gắng rèn luyện thật tốt để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà Tổ quốc, quân đội giao phó”, Hồ Diên xúc động nói.

Trong đợt tuyển quân năm nay, xã Dân Hóa và Trọng Hóa có 18 thanh niên nhập ngũ. Gia đình, dòng họ, bản làng đều đã tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay, cầu mong các em có sức khỏe, gặp nhiều may mắn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo quan niệm của người Khùa, người Mày, sợi chỉ tuy chỉ là một vật tượng trưng nhưng ẩn chứa đằng sau nó là một sức mạnh thể hiện sự giao ước, kết nối giữa các thế hệ, nhắc nhở mọi người nhớ về nguồn cội, quê hương, Tổ quốc, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng hướng đến một tương lai tươi sáng.