BS Thái Duy Quang: 'Phẫu thuật tạo hình như bài toán nhiều lời giải'

“Công việc của bác sỹ phẫu thuật tạo hình không phải giành giật sự sống nhưng chỉ cần không hoàn thiện dù chỉ một mảng da nhỏ cho bệnh nhân cũng có thể coi là thất bại”- bác sỹ Thái Duy Quang, bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y chia sẻ.

Con nhà nòi

Thái Duy Quang sinh năm 1986, trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Ông nội Quang là bác sĩ Thái Duy Bích, nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện E Hà Nội. Quang cũng là cháu họ của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Huy Phan- người đầu tiên mang phẫu thuật tạo hình về Việt Nam và Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thọ - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Họ hàng cũng có rất nhiều người làm trong ngành y, nên việc lựa chọn tiếp nối con đường trở thành bác sỹ, với Quang, là một “trách nhiệm” đáng tự hào.

Bác sĩ Thái Duy Quang

“Từ nhỏ, tôi vẫn hay được nhìn ông khám bệnh, thỉnh thoảng còn được ông cho ngồi nghịch ống nghe, chơi trò khám bệnh cho đồ chơi... lúc đó thấy cũng vui vui. Nhưng phải đến năm thứ 3 đại học, được tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, tôi mới thực sự cảm thấy yêu thích công việc mình đang theo đuổi”- Thái Duy Quang chia sẻ.

Bác sĩ Thái Duy Quang đang mổ vi phẫu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Mỗi lần nghỉ hè, Quang lại xin đi theo các ông, các bác tham gia các ca phẫu thuật để thực tập, phụ mổ và học hỏi kinh nghiệm. Sau 6 năm học chuyên ngành bác sĩ đa khoa của Đại học Y, Quang tiếp tục thi tuyển và vượt qua hơn 200 hồ sơ để trở thành 1 trong 2 bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thi đỗ chương trình Bác sĩ Nội trú. Thi không dễ, học càng khắc nghiệt hơn. Quang gần như ở bệnh viện 24/24 để học liên tục, thực hành liên tục. Càng học, càng làm lại càng thấy say mê.

Quang bảo, cái hay của phẫu thuật tạo hình so với các chuyên ngành khác là nếu như mỗi bệnh lý có một phác đồ điều trị rõ ràng thì phẫu thuật tạo hình như một bài toán với nhiều lời giải. Bác sỹ phải chọn lời giải nào ngắn nhất, hay nhất và tốt nhất. Điều này đòi hỏi người “cầm dao” phải luôn động não, suy nghĩ, sáng tạo... Đây là thách thức lớn nhất của bác sĩ phẫu thuật tạo hình nhưng cũng là điều khiến Thái Duy Quang yêu thích công việc của mình.

“Công việc của bác sỹ phẫu thuật tạo hình không thường xuyên phải giành giật sự sống nhưng chỉ cần không hoàn thiện dù chỉ một mảng da nhỏ cho bệnh nhân cũng có thể coi là sự hy sinh, thất bại”- Thái Duy Quang tâm sự. Cũng vì thế, bác sỹ phẫu thuật tạo hình cần có một số tố chất đặc trưng như óc tưởng tượng, khiếu thẩm mỹ, sự khéo tay và đặc biệt là tính kiên trì, nhẫn nại bởi có những mũi khâu nếu cảm thấy không hài lòng, Quang có thể ngồi cắt ra làm lại, tỉ mẩn đến khi hoàn hảo. Có những ca mổ kéo dài 12 tiếng liên tục từ 8h sáng đến 8h tối, không biết mỏi, không biết đói, chỉ đến khi bước ra khỏi phòng mổ mới đứng không vững vì... tụt huyết áp. Hay nhiều hôm nửa đêm, nhận được điện thoại khẩn cấp từ bệnh viện, Quang lại lao vào để cầm dao mổ.

Càng yêu nghề sau mỗi lần cứu người

Ngay từ khi còn đang học nội trú, Quang đã được GS. Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội, tin tưởng giao cho các nhiệm vụ từ mổ phụ lên mổ chính. “Ca mổ đầu tiên của tôi là cắt ung thư da cho một giáo viên người nước ngoài. Lúc cầm dao, tôi rất run vì đó là lần đầu tiên tôi được chủ động hoàn toàn một ca mổ, lại mổ cho người nước ngoài nên càng lo lắng. Nhưng cuối cùng kết quả đã tốt đẹp”- chàng bác sĩ trẻ nhớ lại.

Bác sĩ Thái Duy Quang (thứ 5 từ trái sang) cùng các bác sĩ tại Hàn Quốc.

Từ đó, mỗi lần được cầm dao đứng mổ là một lần tiếp thêm năng lượng và tình yêu nghề cho Thái Duy Quang, đến nỗi tuần nào vì bận rộn mà không được “cầm dao mổ” là khiến anh “ngứa ngáy tay chân, bồn chồn không yên”.

Hiện tại, Thái Duy Quang vừa đảm nhận công tác giảng dạy tại bộ môn phẫu thuật tạo hình, vừa là một trong những bác sĩ chính của khoa Phẫu thuật tạo hình của bệnh viện Đại học Y. Các ca mổ của Quang đa dạng, thường là các ca sau chấn thương, bị khuyết phần mềm, những bệnh lý dị tật như thừa ngón, dính ngón, sụp mi mắt bẩm sinh. Đặc biệt trong trường hợp sụp mi mắt bẩm sinh mức độ nặng gần như che hết đồng tử không thể nhìn được thì thay vì phương pháp thông thường là treo mi mắt (dễ gây biến chứng không khép được mắt) thì Thái Duy Quang sử dụng phương pháp dùng cơ trán đưa vào mi để thay thế cơ nâng mi bị liệt. Đây không phải là phương pháp mới nhưng không phải bác sĩ nào cũng làm được.

Quang vẫn nhớ mãi trường hợp em bé hơn 1 tuổi ở Bắc Ninh bị tai nạn ô tô, nhập viện trong tình trạng gần như mất toàn bộ phần mềm ở hai cẳng chân. Nếu như bình thường, có thể đứa trẻ sẽ được chỉ định cắt bỏ toàn bộ đôi chân, nhưng sau 3 lần phẫu thuật căng thẳng, Quang đã cùng các giáo sư trong bộ môn và đồng nghiệp đã giữ lại được đôi chân cho bé. Đến nay, bé đang bắt đầu tập phục hồi chức năng và đi lại được. “Đứa bé trạc tuổi con trai tôi, suốt 1 tháng trời gắn bó với bé, tôi cảm thấy đó như con mình vậy, càng thương lại càng quyết tâm”- Quang kể.

Bác sĩ Thái Duy Quang tạo hình mũi cho khách hàng tại Anvee Beauty Clinic

Hay như lần khác, một thanh niên bị tai nạn lao động, gần như ngón tay cái đã rời ra và xác định có thể bị cụt mất một ngón. Nhưng nhờ kỹ thuật vi phẫu thuật mà Quang đã “cứu sống” được ngón tay bệnh nhân, đến nay đã hoạt động và lao động bình thường.

Vừa học hỏi kinh nghiệm của thế hệ đi trước, Quang vừa tìm tòi thêm các tài liệu nước ngoài để nghiên cứu, bắt nhịp các kỹ thuật mới trên thế giới. Năm 2015, Quang được tham gia khoá học 1 năm ở Hàn Quốc. Quãng thời gian ở đây đã giúp anh thay đổi nhận thức và học thêm nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật tạo hình. Đặc biệt, Quang được học về vi phẫu thuật, tức là nối mạch máu với kích cỡ từ 0,5-1mm dưới kính hiển vi. Sau khi hoàn thành khoá học, cũng chính Quang là một trong những người góp sức triển khai kỹ thuật hiện đại này ở Đại học Y.

Mỗi một chuyến đi lại cho anh những trải nghiệm quý giá trong nghề. Cách đây 2 tháng, Quang tiếp tục tham gia khoá học ở Nhật Bản. Môi trường làm việc và con người ở Nhật giúp anh học được phong cách, thái độ làm việc nguyên tắc, chuyên nghiệp của xứ sở mặt trời mọc. Cũng trong chuyến đi này, Quang học được thêm kỹ thuật tạo hình vú sau ung thư và phẫu thuật phù bạch mạch- một trong những căn bệnh hiếm gặp và phức tạp. Mong muốn của chàng bác sĩ trẻ là có thể sớm mang những kỹ thuật này về triển khai tại Đại học Y, góp phần tiếp thêm hy vọng và giúp các bệnh nhân chống chọi bệnh tật.