Boeing đối diện với điều tệ hại nhất trong lịch sử

TPO - Boeing - tập đoàn hàng không số 1 nước Mỹ - đang trượt dài trong chuỗi ngày khủng hoảng vì hàng loạt sự cố gây thất vọng và đối mặt với cuộc đình công lịch sử, toàn bộ dây chuyền sản xuất bị tê liệt. Hôm qua (23/10), Boeing chính thức công bố đã lỗ 6,17 tỷ USD trong quý III. 

Hành trình thống trị bầu trời

Năm 1916, Công ty Boeing được thành lập với tên gọi ban đầu là Aero Products, trụ sở đặt tại thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ), xuất phát từ ý tưởng của chàng thiếu gia buôn gỗ có tên William E. Boeing.

Trụ sở của Boeing tại Seattle, Washington, Mỹ thời kỳ đầu. Ảnh: Boeing.

8 thập kỷ rưỡi tiếp theo, Boeing đã từng bước trở thành tập đoàn hàng không số 1 thế giới và cũng là hãng chế tạo máy bay lớn nhất hành tinh.

Boeing đã sản xuất ra hàng chục ngàn máy bay thương mại, toả đi khắp các phương trời như B707, B747, B727, B737, Boeing 777, "nữ hoàng bầu trời" Boeing 747, 787 Dreamliner…

Năm 2012 được coi là thời kỳ hoàng kim của Boeing khi giành vị trí thứ nhất về số đơn đặt mua máy bay, với khoảng hơn 1.200 chiếc. Con số này lớn hơn rất nhiều so với “kỳ phùng địch thủ” Airbus (khoảng hơn 800 chiếc).

Máy bay phản lực Boeing 737 Max sau khi bay thử nghiệm ở Seattle, ngày 30/9/2020. Ảnh: AP.

Boeing cũng khẳng định thêm rằng hãng đã nhận được một lượng đơn đặt hàng khổng lồ với khoảng gần 400 tỷ USD vào năm 2013. Theo một số chuyên gia, doanh thu năm 2014 của hãng còn tăng thêm khoảng hơn 100 tỷ USD/năm.

Cú trượt dài của "gã khổng lồ"

Vận đen của Boeing bắt đầu vào ngày 29/10/2018, khi một chiếc Boeing 737 MAX của Hãng hàng không Indonesia Lion Air lao xuống biển chỉ 13 phút, sau khi cất cánh khiến 189 người thiệt mạng.

5 tháng sau, vào ngày 10/3/2019, máy bay Boeing 737 MAX 8 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines khi vừa cất cánh được 6 phút đã bị rơi, khiến 157 người tử vong.

Hai thảm kịch vừa nêu đã giáng một đòn nặng nề đối với Boeing, khi toàn bộ loại máy bay Boeing 737 MAX bị ngừng bay hơn 1,5 năm. Việc này còn khiến tập đoàn lỗ gần 3 tỷ USD trong quý III/2019 vì mất hàng tỷ USD tiền phạt, nhiều đơn đặt hàng bị hủy.

Một cảnh sát Indonesia đang cầm mảnh vỡ thu được từ chiếc Boeing 737 MAX trong vụ tai nạn ngày 29/10/2018. Ảnh: Reuters.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng nổ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân toàn cầu khiến Boeing lỗ gần 12 tỷ USD.

Năm 2021, do các vấn đề về sản xuất, Boeing phải hoãn bàn giao và làm lại một số bộ phận của 787 Dreamliner, khiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý IV/2021 với mức hơn 4 tỷ USD.

Bước sang 2022, nhiều vấn đề khác nhau trong lĩnh vực máy bay thương mại và kinh doanh quốc phòng, gây ra khoản lỗ trong quý III cho Boeing là 3,3 tỷ USD.

Chuỗi ngày gặp sự cố và thua lỗ của Boeing chưa kết thúc. Ngay ngày đầu năm nay, cửa của chiếc Boeing 737 Max thuộc Hãng hàng không Alaska Airlines bị bung ngay sau khi cất cánh vào tối 5/1.

Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy, Boeing có thể đã không lắp các bu lông vào nút chặn cửa vốn được thiết kế để ngăn bộ phận này rơi khỏi máy bay.

Máy bay Boeing 737 MAX bay mất cửa thoát hiểm khi đang ở độ cao tối đa trong chuyến bay tối 5/1/2024. Ảnh: X.

Sự cố này đã khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) lập tức đình chỉ 171 chiếc 737-9 Max và yêu cầu Boeing ngừng mở rộng sản xuất loại máy bay này.

Boeing phải đối mặt với các phiên điều trần tại quốc hội, chậm trễ trong sản xuất và giao hàng, bị dính vào nhiều cuộc điều tra liên bang - bao gồm cả điều tra hình sự làm cổ phiếu tụt dốc… Hậu quả, tập đoàn này lỗ tiếp 1,4 tỷ USD trong quý II năm nay.

Ngoài ra, Boeing còn gặp khủng hoảng về nhân sự khi nhiều nhân viên lâu năm, vốn tố cáo và kiện tập đoàn này liên tục tự sát. Trong khi đó, các lãnh đạo kỳ cựu về xử lý khủng hoảng thì lần lượt “dứt áo ra đi”. Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả...

Từ ngày 13/9 vừa qua, khoảng 33.000 công nhân của Boeing đã đình công, yêu cầu tăng 40% lương trong 4 năm. Cuộc đình công đã làm tê liệt hoạt động sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất 737 MAX, dòng máy bay thân rộng 767 và 777 của Boeing, gây thêm áp lực lên tình hình tài chính vốn đã mong manh của tập đoàn.

Các thành viên Hiệp hội thợ máy quốc tế của Boeing tổ chức diễu hành trong cuộc đình công đang diễn ra tại Seattle vào ngày 15/10. Ảnh: David Ryder/Reuters.

Đáng chú ý, dự kiến lượng máy bay giao của Boeing trong tháng 10 chỉ ở mức một con số. Hôm qua (23/10), Boeing chính thức công bố đã lỗ 6,17 tỷ USD trong quý III.

Giá vé máy bay tăng cao vì khủng hoảng của Boeing

Theo CNN, kể từ năm 2018, Boeing chưa bao giờ có lãi. Tính từ năm 2019, Boeing đã lỗ thêm 28 tỷ USD và tổng mức nợ hiện nay của tập đoàn này đã lên tới 60 tỷ USD. Do đó, cổ phiếu của Boeing mất hơn 60% giá trị trong 5 năm qua.

Thậm chí, Boeing mới đây thông báo sẽ cắt giảm 10% nhân lực toàn cầu, tương đương khoảng 17.000 người trong vài tháng tới, do việc kinh doanh của công ty đang gặp khó, gây nên bức xúc cho công nhân.

Khủng hoảng của Boeing sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Business Today.

Theo các hãng đánh giá tín nhiệm lớn trên thế giới, nếu cuộc đình công của Boeing kéo dài, họ sẽ hạ xếp hạng trái phiếu của Boeing xuống mức “không khuyến nghị đầu tư”. Việc này thực sự là đòn giáng chí mạng đối với Boeing trong nỗ lực huy động vốn để tự cứu lấy mình.

Trước cú trượt dài của “gã khổng lồ” Boeing, nhiều chuyên gia cho rằng với vị thế là một trong hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, cuộc khủng hoảng của Boeing sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, khi các hãng hàng không thiếu máy bay để vận hành sẽ kéo theo giá vé bay tăng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng...

Tại buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam hồi tháng 4, ông Subhas Menon - Giám đốc điều hành Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) - nhận định, giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với trước. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất đến từ việc thiếu hụt máy bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không, bắt nguồn từ 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing đều đang phải xử lý nhiều vấn đề…

Theo CNN, ABC News, Reuters