Ngụy trang tinh vi
Chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2016, lực lượng Hải quan tại TPHCM liên tục phát hiện nhiều vụ buôn lậu ngà voi với tổng khối lượng hơn 5 tấn nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Các đối tượng buôn lậu sử dụng các khối gỗ lớn, đục rỗng ruột cho ngà voi vào rồi phủ keo, dán lại nguyên trạng nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Vụ buôn lậu hơn 2 tấn ngà voi châu Phi trị giá hàng trăm tỷ đồng do Cty TNHH-TM-DV Diệu Tiên (quận Tân Bình, TPHCM) nhập về cảng Cát Lái bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện.
Theo Cục Hải quan TPHCM, ngày 5/10, nhân viên của Cty Diệu Tiên đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 để mở tờ khai hải quan cho 2 container gỗ xoan đào có xuất xứ Mozambique. Theo tờ khai, lô hàng này được vào hệ thống phân luồng Vàng, tức chỉ kiểm tra hồ sơ mà không cần kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, khi nhân viên hải quan soi chiếu thì phát hiện vật lạ bên trong các khối gỗ nên giữ lại.
Khi mở các container này để kiểm tra thực tế các khối gỗ, Hải quan phát hiện hàng trăm khúc ngà voi có trọng lượng hơn 2 tấn, ước tính trị giá hàng trăm tỷ đồng. Theo quan sát của phóng viên, các khối gỗ có đường kính khoảng 50cm được đục rỗng ở giữa, ba bên chỉ còn một lớp vỏ mỏng, ngà voi được cho vào trong rồi đậy nắp, hàn lại như một khối gỗ bình thường, nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện. Đây là vụ buôn lậu ngà voi lớn nhất được hải quan phát hiện thời gian qua.
Theo giấy tờ kê khai hải quan, chủ lô hàng là Cty Diệu Tiên, có địa chỉ tại quận Tân Bình, nhưng người đến làm thủ tục mở tờ khai lại không phải nhân viên của Cty này mà là một Cty khác chuyên nhận việc lo thủ tục hải quan thuê. Nhân viên đến mở tờ khai hải quan khai báo với lực lượng chức năng rằng, Cty nhận khai thuê hải quan để nhập lô gỗ xoan đào với giá 4 triệu đồng. Toàn bộ hồ sơ, giấy giới thiệu, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và cả tiền nộp thuế cho lô hàng… đều do người của Cty Diệu Tiên cung cấp. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, giám đốc và nhân viên của Cty Diệu Tiên đã “biến mất”, địa chỉ đăng ký kinh doanh cũng là địa chỉ “ma”.
Theo tìm hiểu, Cty Diệu Tiên được Sở KH&ĐT TPHCM cấp Giấy phép kinh doanh ngày 9/11/2015. Địa chỉ Cty đăng kí kinh doanh là số 66/8, đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, TPHCM. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến thì đây chỉ là một tiệm tạp hóa nhỏ, không thấy tên Cty nào.
Ngày 26/10, thêm 1 tấn ngà voi nhập lậu bị thu giữ. Chiều 1/11, lực lượng chức năng phát hiện thêm 500kg ngà voi. Ngày 24/11, phát hiện hơn 600kg ngà voi. Ngày 29/11, phát hiện gần 1 tấn ngà voi nhập vào cảng Cát Lái…
Tăng cường kiểm tra
Ông Lê Đình Lợi, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cho biết: “Lượng gỗ nhập khẩu về cảng Cát Lái rất lớn. Đây cũng là nơi các doanh nghiệp lợi dụng để buôn lậu ngà voi. Vì vậy, Cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các mặt hàng gỗ nhập từ châu Phi về. Để ngụy trang, các đối tượng giấu ngà voi trong khối gỗ rỗng ruột và phủ một lớp sáp bên ngoài, sau đó chèn thạch cao trộn với cát để tạo ra một chất có trọng lượng tương đương với gỗ rồi đóng đinh như khúc gỗ đặc bình thường. Như vậy, khó phát hiện bằng máy soi nên lực lượng Hải quan phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, soi chiếu bí mật trước và đợi khi doanh nghiệp lên mở tờ khai để yêu cầu kiểm tra”, ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, với các chiêu thức ngụy trang ngà voi rất tinh vi và buôn lậu với số lượng lớn nên chắc chắn có đường dây buôn lậu chứ không phải các đối tượng buôn lậu lẻ tẻ. “Cục Hải quan TPHCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công an để điều tra làm rõ nhưng doanh nghiệp đứng sau các vụ buôn lậu ngà voi này”, ông Lợi nói.
Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát- Bộ Công an, cho biết, các vụ buôn lậu ngà voi lớn có thủ đoạn cực kì tinh vi, được các đối tượng chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ phía nước ngoài cho đến việc thuê vận chuyển về Việt Nam. Doanh nghiệp đứng tên nhập khẩu lô hàng lập Cty “ma”, địa chỉ “ma”, các doanh nghiệp nhập lậu không lộ diện khiến việc truy tìm chủ nhân thực sự của lô hàng rất khó.
Bên cạnh đó, Việt Nam không phải là thị trường tiềm năng để buôn bán ngà voi, các đối tượng buôn lậu chọn làm nơi trung chuyển để tuồn qua các nước khác. Vụ buôn lậu gần 300kg ngà voi bị Hải quan phát hiện chiều 29/11 cho thấy, các đối tượng buôn lậu giấu ngà voi trong gỗ nhập từ cảng Lome, ghé qua cảng Tanjung Pelepas, Malaysia sau đó quá cảnh qua cảng Cát Lái để đưa về cảng Phnompenh của Campuchia.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Cty Luật TNHH Đức Chánh, cho biết, theo Điều 190 Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.