Bộ Y tế sẽ giám sát bán thuốc kháng sinh

TP - Ngày 21/9, phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). 
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng kháng sinh. Ảnh: Như Ý.

Càng tuyến dưới, càng kê nhiều kháng sinh

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, hiện nay, việc phòng chống kháng thuốc còn gặp nhiều khó khăn do phổ biến tình trạng người dân khi bị ốm thường tự mua thuốc về uống, không theo chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng kháng sinh không đúng, không đủ liều trong y tế, nông nghiệp là một trong các nguyên nhân làm tăng kháng thuốc. Mặc dù Bộ Y tế đã có thông tư quy định về mua thuốc theo đơn nhưng việc xử phạt dường như không khả thi.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua báo cáo sử dụng kháng sinh theo tuyến bệnh viện tính đến ngày 14/9, càng ở bệnh viện tuyến dưới, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao. Trong khi đó, bệnh viện bộ ngành và bệnh viện thuộc các trường đại học có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh thấp nhất. Ở các bệnh viện tuyến trung ương, thuốc kháng sinh Cephalosporin và Macrolid là dòng kháng sinh được sử dụng nhiều nhất. PGS.TS Lương Ngọc Khuê lý giải, việc bệnh viện tuyến huyện, tỉnh có tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao chủ yếu vì ở tuyến này chưa có kháng sinh đồ, bác sĩ thường điều trị bao vây bằng nhiều loại thuốc, nhiều loại kháng sinh khác nhau.

Bên cạnh đó,  nhiều ý kiến khác tại hội nghị thẳng thắn chỉ ra, ngoài nguyên nhân chưa có kháng sinh đồ, việc bác sĩ kê nhiều kháng sinh còn do chất lượng thuốc kháng sinh chưa tốt, do kinh nghiệm của bác sĩ, do tâm lý và cả… lợi ích nhóm khi kê đơn. Ở các bệnh viện tuyến trên cũng đều thừa nhận ở bệnh viện mình đã có các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, thậm chí đã xuất hiện những vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có.

Đề cập đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, điều đáng lo ngại, nhiều bệnh nhi chuyển lên đã bị nhiễm khuẩn từ tuyến dưới. Vì vậy, tại Bệnh viện Nhi T.Ư có khoảng 30% bệnh nhi nhập viện có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài các căn nguyên liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn, nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế, nhiều trẻ được các ông bố, bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.

Ngoài ra, thực trạng sử dụng kháng sinh hiện nay tại Việt Nam không được kiểm soát chặt chẽ, việc mua bán và sử dụng kháng sinh trong điều trị và chăn nuôi một cách bừa bãi đã khiến tỷ lệ kháng kháng sinh ngày một gia tăng.

Thống kê của ngành y tế cho thấy tại các khu vực nông thôn, gần 90% người dân mua thuốc kháng sinh không cần đơn. Phần lớn các loại kháng sinh thế hệ 1 và thế hệ 2 ở Việt Nam hiện nay đều không có tác dụng đặc hiệu, phần lớn các bệnh viện đều phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị bệnh. Bên cạnh đó, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ngày càng trở nên đáng báo động nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mà nguyên nhân chính được cho do việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi trồng trọt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

“Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”

Đó là phát biểu tại hội nghị của TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Theo TS Park, kháng thuốc hiện không còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà là của toàn cầu. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng kháng sinh. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng cao nếu không có những hành động phòng chống kịp thời. Ước tính chi phí do hậu quả của tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu sẽ lên tới hơn 1.300 tỷ đô la vào năm 2050. Triển khai phòng, chống kháng thuốc không chỉ tập trung vào thay đổi hành vi của người dân mua thuốc theo đơn và chống nhiễm khuẩn bệnh viện mà còn tránh tình trạng dư lượng kháng sinh trong động vật, thực vật.

Đại diện Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên động vật để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả; vận động, hướng dẫn người chăn nuôi không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu. Đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán chất cấm, kháng sinh nguyên liệu, thuốc thú y không nằm trong danh mục được phép lưu hành.

Sau 4 năm triển khai kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc và 2 năm triển khai thỏa thuận cam kết đa ngành hiện Việt Nam đã thành lập mạng lưới giám sát kháng thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý bước đầu việc sử dụng kháng sinh trong nông, ngư nghiệp. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ Y tế về việc sử dụng thuốc an toàn và hợp lý; Kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn và bán thuốc kháng sinh.

Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng cao nếu không có những hành động phòng chống kịp thời. Ước tính chi phí do hậu quả của tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu sẽ lên tới hơn 1.300 tỷ đô la vào năm 2050.