Bỏ việc về buôn, chàng bí thư chi đoàn truyền cảm hứng lập thân lập nghiệp

TP - Anh Y Knáp (SN 1989) - Bí thư chi đoàn buôn Ea M’droh (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) liều lĩnh bỏ việc ở Sài Gòn theo vợ về buôn lập nghiệp. Không chỉ nhiệt huyết trong các hoạt động vì cộng đồng và chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn truyền cảm hứng lập thân, lập nghiệp cho thanh niên dân tộc trên địa bàn.
Anh Y Knáp (thứ 2 phải qua) chia sẻ về cách nuôi dê nhốt chuồng

Y Knáp sinh ra và lớn lên trong một gia đình người M’Nông đông anh em ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông). Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ điện tử viễn thông, anh có 3 năm làm việc tại TPHCM. Sau khi nên duyên với cô gái Êđê, Y Knáp bỏ việc theo vợ về huyện Cư M’gar lập nghiệp.

Sống ở đây, anh thấy nhiều người Êđê còn giữ được bí quyết ủ rượu bằng những nguyên liệu thiên nhiên…nên hai vợ chồng chung tay bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc Êđê.

Theo Y Knáp, từng công đoạn làm rượu cần phải thật kỹ lưỡng, lơ là sẽ hỏng. Ngoài ra, phải làm vào những ngày nắng ấm, đẹp trời, không làm ngày âm u cơm dễ hư. Một ché rượu cần ngon, đạt tiêu chuẩn có màu trắng đục khi uống sẽ có vị ngọt thơm nồng, sảng khoái.

Thời gian trước, một năm anh cung cấp ra thị trường khoảng 500 ché rượu cần thương hiệu “Rượu cần Êđê Ama Tâm” (thương hiệu do vợ chồng Y Knáp xây dựng). Nhà anh còn là nơi để mọi người đến trải nghiệm ủ rượu cần.

Ngoài phát triển rượu cần, năm 2019, anh Y Knáp được vay 20 triệu từ quỹ khởi nghiệp của huyện Đoàn Cư M’gar để phát triển mô hình chăn nuôi dê. Y Knáp lên các trang mạng tham khảo gương khởi nghiệp nuôi dê. Anh dành thời gian tìm hiểu, đi tham quan các mô hình nuôi dê hiệu quả trên địa bàn tỉnh; chịu khó học hỏi tỉ mỉ từ kỹ thuật xây dựng chuồng trại đến cách phòng tránh một số bệnh thường gặp ở dê. Do có đất rẫy khá rộng nên anh chủ động được nguồn thức ăn và hạn chế được dịch bệnh lây chéo trong gia súc. Hiện đàn dê của anh có 25 con.

Năm 2019, Y Knáp phối hợp với chính quyền và thầy cô trên địa bàn mở lớp miễn phí để ôn tập kiến thức cho các em nhỏ trong buôn vào buổi tối trong tuần. Để có thể tổ chức lớp học, mỗi tối anh đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con đến lớp. Anh chủ động liên hệ mượn bàn ghế của trường và nhà sinh hoạt cộng đồng buôn. Hiện nay, các em đã có một nơi học ổn định và khang trang tại buôn.