Bệnh dịch mới, lần đầu tiên xuất hiện
Ngày 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Nghị quyết 30 đã đưa ra cái nhìn tương đối toàn diện liên quan đến các giải pháp “chưa từng có tiền lệ”, tạo cơ hội cho Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch.
Bà Lan đề nghị nêu rõ và sâu hơn tính chất phức tạp, khó dự báo và chưa có tiền lệ của bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước, để thấy được các biện pháp mà Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã triển khai trong bối cảnh hết sức cấp bách, khó khăn và còn thiếu thốn nhiều vấn đề.
“Có thể nói đây là một bệnh dịch mới, lần đầu tiên xuất hiện. Trước đây, chúng ta cũng phải đối phó với rất nhiều các loại dịch như Rubela, H5N1, sốt xuất huyết, chân tay miệng…nhưng chưa bao giờ có một tiền lệ dịch xảy ra trên toàn thế giới, với một mức độ lớn như vậy với nhóm bệnh thuộc nhóm A. Thế giới cũng chưa biết đầy đủ về bệnh dịch, cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ngay cả với những nước giàu có, có nền y tế và công nghiệp dược, trang thiết bị phát triển...”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.
Theo bà Lan, tại thời điểm dịch bùng phát, các nguồn lực về vắc xin, sinh phẩm, xét nghiệm, thuốc điều trị đều là những loại hàng hóa mới, đang trong quá trình nghiên cứu, cấp phép sử dụng khẩn cấp, rất hạn chế và khan hiếm trên toàn thế giới, muốn cũng không thể mua được.
"Với dân số đông, có đường biên giới rộng, giao thương với nhiều quốc gia cho nên nguồn lực của chúng ta phải trải ra các địa bàn. Cũng chưa bao giờ đất nước ta sau cuộc chiến tranh lại phải huy động tổng lực lớn như vậy để giải quyết tất cả các vấn đề từ vùng sâu, vùng xa, từ biên giới đến hải đảo, từ trong thành thị ra đến ngoài nông thôn”, bà Lan bày tỏ.
“Với dịch bệnh chưa có tiền lệ như vậy, xảy ra quá nhanh, quá rộng như vậy, kể cả một đất nước mạnh như Mỹ cũng rất lúng túng. Hệ thống y tế cũng gặp phải rất nhiều rủi ro. Cho nên vấn đề này chúng ta phải đánh giá rõ được nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan để từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm cho những đợt dịch tiếp theo”, bà Lan cho hay.
Khó xây dựng kịch bản đối phó
Về vấn đề thực hiện các chính sách y tế dự phòng và y tế cơ sở, phạm vi tương đối rộng, nên bà Lan kiến nghị khoanh vùng lại những nội dung phù hợp.
Với các nội dung liên quan đến nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Y tế ví dụ, Nghị quyết 80 đã nêu rõ Quốc hội cho phép thực hiện các hình thức tạm ứng, vay mượn, huy động, tiếp nhận và tài trợ phải có hướng dẫn. Đoàn giám sát đã đi xuống thực tế tại các địa phương thì đây là một nội dung còn vướng.
“Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đánh giá lại thực trạng, xem tất cả các địa phương số lượng là bao nhiêu, vướng ở vấn đề gì và có cần thiết phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không, hay thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chúng tôi nghĩ nên có những báo cáo chuyên đề, nếu cần thiết thì sẽ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở một kỳ khác”, bà Lan nêu quan điểm.
Bên cạnh Nghị quyết về giám sát, bà Lan cho biết, Bộ Y tế cũng đang trình Ban cán sự Đảng Chính phủ để trình lên Ban Bí thư một chỉ thị về phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong đó sẽ rà soát, đánh giá lại các nghị quyết của Đảng và quan điểm, mục tiêu về vấn đề phát triển hệ thống y tế cơ sở.
Về vấn đề xây dựng kịch bản đối phó, theo Bộ trưởng, vấn đề liên quan đến triển khai các luật, cần phải rà soát, hoàn thiện lại hệ thống pháp luật.
“Để xây dựng kịch bản thì có thể nói là vô cùng khó. Có thể hôm nay lũ lụt, hôm sau cháy rừng, hôm sau nữa là dịch bệnh”, bà Lan nói.