Sáng 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.
Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nêu: “Thực tế cho thấy quy hoạch thiếu tầm nhìn, hầu hết có vấn đề môi trường như rác thải, ùn tắc giao thông, thiếu trầm trọng khu vui chơi, giải trí, có nơi đầu tư mới nhưng phố xá nhếch nhác. Bộ trưởng nhìn nhận ra sao? Có giải pháp nào cho tình trạng biết trước quy hoạch để trục lợi?
Một vấn đề khác được ĐB chỉ ra là tình trạng buông lỏng quy hoạch dẫn đến lệch lạc, biến đường thẳng thành cong, sân gol trong sân bay, vi phạm xây dựng về phòng cháy.
“Dĩ nhiên trách nhiệm địa phương là chính nhưng bộ thanh tra kiểm ta cần thiết trình Chính phủ ban hành quy định quản lý cho hiệu quả. Bộ trưởng chỉ đạo thế nào, đã xử lý trách nhiệm ai chưa?”, ĐB Thuý đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) nêu thực tế lâu nay cử tri bức xúc tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, rừng đặc dụng, đất nông nghiệp và cả quốc phòng.
“Điều đáng nói thanh tra chuyên ngành có chức năng để thực hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm, còn tình trạng đó xảy ra. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình, có cam kết không để tình trạng này thời gian tới xảy ra, có xử lý nghiêm xây trái phép sai phép hay không?” – ĐB Thuỷ nêu.
ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt ra hai vấn đề về hoàn thiện thể chế và quy hoạch xây dựng, đô thị. Đặc biệt, ĐB muốn Bộ trưởng Xây dựng chia sẻ suy nghĩ về quy hoạch “trong sân bay có sân golf”.
Trả lời chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch xây dựng nói chung cũng như quy hoạch đô thị là quy hoạch tổng thể liên quan tổ chức không gian, cảnh quan, bố trí hạ tầng kỹ thuật, tổ chức môi trường sống của người dân, cộng đồng xã hội. Nó có đặc trưng khác biệt, quy hoạch xây dựng là loại hai hoạt động chủ yếu: làm cái gì để sống, và tổ chức môi trường sống như thế nào. Chính vì thế có vai trò hết sức quan trọng, được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Theo Bộ trưởng, tốc độ đô thị hoá đạt 3,7% với 805 đô thị, đóng góp hết sức tích cực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, còn hạn chế nổi lên là chất lượng lập quy hoạch.
“Tầm nhìn quy hoạch có cái chưa đảm bảo, có cái ngắn quá, cái dài quá. Tức là khi tính toán, dự báo số liệu đưa ra mục tiêu nội dung, quy trình chưa phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của đất nước, dẫn đến tính khả thi chưa được tốt. Sự khớp nối, thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa tốt cũng ảnh hưởng tới chất lượng quy hoạch”, Bộ trưởng Hà cho hay.
Về tổ chức quản lý và thực hiện, Bộ trưởng xây dựng thừa nhận việc tổ chức, quản lý quy hoạch còn chậm và không đồng bộ, chắp vá. Bên cạnh đó, việc giám sát của cộng đồng cũng hạn chế. Thanh tra kiểm tra có thực hiện, nhưng có lúc không thường xuyên liên tục, xử lý một số vụ chưa cương quyết kịp thời tạo tiền lệ nhất định cho vi phạm lần sau.
Việc buông lỏng quản lý quy hoạch ĐB nêu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, việc này gây ra hệ luỵ như ùn tắc, ngập lụt, sử dụng đất không hiệu quả, lấn chiếm với mục đích sử dụng khác nhau, vi phạm cấp phép, sai phép... Trả lời câu hỏi, có trục lợi hay không trong lập tổ chức thực hiện quy hoạch”, Bộ trưởng cho biết, cơ bản tổng thể không có nhưng ở một số trường hợp cụ thể, có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong xây dựng quy hoạch.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý Nhà nước, Bộ trưởng thừa nhận hạn chế trong xây dựng thể chế, nhất là phương pháp luận, tính toán quy chuẩn, tiêu chuẩn, mô hình đô thị... Để hoàn thiện quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng cần tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế theo hướng bảo đảm cho quy hoạch là công cụ đắc lực, quản lý hiệu quả đầu tư phát triển, nguồn vốn và chất lượng an toàn công trình, đảm bảo mục tiêu chống thất thoát lãng phí nguồn lực.
Cùng với đó, rà soát lại phương pháp tính quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu liên quan; Tính toán loại bỏ một số thủ tục quy trình không cần thiết như trong cấp phép xây dựng, nội dung chồng lấn, loại bỏ mâu thuẫn giữa các luật liên quan.
Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp với địa phương để tổ chức chỉ đạo, theo dõi thực hiện quy hoạch, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra.
“Tới đây cũng quan tâm vấn đề dư luận bức xúc là điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện theo hướng lợi ích nhóm. Bộ sẽ đề xuất công cụ quản lý để hạn chế việc này, bảo đảm quy trình chặt chẽ, tiếp thu được giám sát cộng đồng và ý kiến người dân để bảo đảm điều chỉnh quy hoạch phù hợp”, ông Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hà cũng thẳng thắn cho rằng, hiện nay có tình trạng sử dụng đất trong đô thị còn chưa hiệu quả, nôn nóng mở rộng quá nhiều diện tích đô thị, sử dụng một cách phân tán trên diện rộng thay vì tập trung vào một số khu vực trung tâm.