Bộ trưởng thấy 'lạnh xương sống' vì chất cấm

TP - “Đọc thông tin ở Bình Dương phát hiện chuối ngâm vào thuốc diệt cỏ 2,4 D, tôi thấy lạnh xương sống. Cứ nghĩ những đứa trẻ ăn phải chuối đó thì sao. Đó là tội ác chứ không phải chỉ là vi phạm” - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói.
Người tiêu dùng lo về tồn dư hóa chất thực phẩm bán trên thị trường. Ảnh: Nam Khánh.

Truy 20 kg Salbutamol từ “người bán gạo”

Tại hội nghị toàn quốc về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trên hàng nông lâm thủy sản (ngày 5/11), Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) công bố số liệu giật mình: Giám sát ATTP 9 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả tới 10,3% (trung bình hằng năm chỉ 6-8%); tới 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 16% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn Salmonella…

“Nếu ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4 D rồi cho trẻ con ăn… đó là vi phạm hành chính hay là hành vi tàn độc? Phải đấu tranh, không thể để một người đầu độc hàng triệu người, trong đó có những đứa trẻ”.    

Bộ trưởng Cao Đức Phát 

“Những con số trên đáng báo động, thậm chí tỷ lệ dư lượng hóa chất trên một số loại rau còn cao hơn nhiều con số 10%” - ông Phát nói. Theo Bộ trưởng Phát, mới đây, ở Bình Dương phát hiện trường hợp ngâm chuối vào hóa chất thuốc diệt cỏ 2,4 D. Làm như thế “là quá ác, lạnh xương sống”. “Nếu ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4 D rồi cho trẻ con ăn… đó là vi phạm hành chính hay là hành vi tàn độc? Phải đấu tranh, không thể để một người đầu độc hàng triệu người, trong đó có những đứa trẻ”- ông Phát nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã lấy 1.040 mẫu nước tiểu lợn và qua kiểm tra, phát hiện trên 202 mẫu (gần 20%) có chứa chất cấm tạo nạc Salbutamol; phát hiện 10/58 (hơn 17%) số mẫu thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm trên. Ông Phát nói: “Vừa rồi các lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 20 kg bột trắng, nghi là Salbutamol. Tôi đã có kết quả, khẳng định đó chính là Salbutamol và có địa chỉ hẳn hoi. Họ nói là chất này mua từ người bán gạo là không thể chấp nhận được. Chúng tôi đang phối hợp với công an để truy tận gốc đường dây chất cấm trên”.

Không chờ đến chết mới kết tội!

Tại hội nghị, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, đại biểu Quốc hội bức xúc: Hiện một lực lượng thương lái ép nông dân dùng chất cấm để mua giá cao lên. Tuy nhiên, khi phát hiện ra chưa xử lý được ai. Do vậy, trên kiểm dịch thú y, thương lái phải khai mua ở cơ sở nào, để lại số chứng minh thư khi có vấn đề để truy xuất.

Theo bà Khanh, Nghị định 119 về xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực chất cấm hiện quy định xử phạt 5-10 triệu đồng/hộ gia đình và 10-20 triệu đồng đối với trang trại, gia trại vi phạm. “Mức này còn đánh đồng, vì một người nuôi một con cũng như nuôi hàng chục, hàng trăm con, nên cần điều chỉnh cho phù hợp” - bà Khanh nói.

Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng, cần đưa hành vi vi phạm về chất cấm vào Bộ luật Hình sự sửa đổi để xử lý. “Hiện chúng ta quy định mức tổn hại sức khỏe mới xử lý hình sự. Nhưng, ở đây, khác với thuốc trừ sâu, ăn vào ngã cái đùng thì biết ngay, còn chất cấm ăn vào nó ngấm dần. Không thể chờ người ta chết, rồi mới đến kiểm tra truy xuất người ta ăn cái gì, như thế nào để xử lý vi phạm” - bà Khanh nói.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) ví: “Giống như tội phạm cướp, tôi chưa biết đối tượng cướp bao nhiêu, nhưng chỉ cần đưa dao, kể cả dao gỗ thì đó là hành vi uy hiếp để cướp và có thể xử lý hình sự. Một người dùng một chất cấm, thì đương nhiên có thể bị xử lý hình sự”.

Theo ông Bình, vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi, bảo vệ thực vật rất phức tạp. “Chúng tôi đã chỉ đạo, tổ chức triệt phá các đường dây, ổ nhóm sử dụng, buôn bán, kinh doanh chất cấm, nhất là chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Ông Bình cho biết, năm 2014, tại một hội thảo quốc tế về u bướu, con số công bố tại đây khiến nhiều người giật mình. Đó là số người bị bệnh ung thư ở Việt Nam tăng nhanh, hằng năm có 150.000-200.000 người mắc bệnh.

Năm ngoái, có 82.000 người tử vong vì bệnh ung thư, chưa kể các bệnh hiểm nghèo khác. Các nghiên cứu độc lập chỉ rõ, nguyên nhân do ATTP và môi trường, chiếm tỷ lệ cao 75-95%; chỉ khoảng 5% do di truyền về ung thư. “Bệnh tật thế này, thì xây bao nhiêu bệnh viện cũng khó đáp ứng được”- ông Bình nói.

Gắn biển thực phẩm sạch, Bộ chịu trách nhiệm trước dân

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện người tiêu dùng đang khủng hoảng niềm tin. Do vậy, ngoài việc tập trung “đánh” tận gốc các đường dây chất cấm, cần giới thiệu, chỉ cho người tiêu dùng biết các địa chỉ bán thực phẩm an toàn. “Chúng ta có nhiều thông tư rồi, nhưng người dân không cần thông tư, mà cần miếng thịt, mớ rau an toàn”.

Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho hay: “Năm 2005, dịch cúm, không ai dám ăn thịt gà. Tôi tổ chức tiệc ăn thịt gà. Ngay hôm sau, các báo đã cắt ảnh có mặt tôi đang ăn thịt gà, quảng bá rằng gà này có nguồn gốc sạch, có mặt ông bộ trưởng đang ăn”.

Ông Phát đề nghị, sắp tới, ở Hà Nội và TPHCM cần chọn một số doanh nghiệp, thiết lập các chuỗi an toàn, tổ chức kiểm tra, đánh giá, chứng nhận chuỗi đấy đảm bảo. Từ đó, công bố cho người dân biết hoặc đưa ra logo, dấu hiệu nhận biết về cửa hàng và “chúng ta chịu trách nhiệm với người tiêu dùng”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, từ nay đến Tết, trước mắt sẽ kết nối với các siêu thị, các cửa hàng chuyên về rau, thịt, để gắn biển thực phẩm an toàn. Trên biển có logo, xác nhận của cơ quan quản lý của Sở NN&PTNT. Ông Tám cũng đề nghị, Hà Nội, TPHCM và các địa phương từ nay đến Tết, cần tổ chức các hội chợ bán thực phẩm an toàn, kết hợp với các chuỗi đã chứng nhận để quảng bá, giới thiệu rộng rãi cho người tiêu dùng.