Sáng 21/4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp Thủ đô có sự khác biệt so với các tỉnh, thành khác. Đó là giá trị văn hóa, bản sắc lịch sử, những dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... tưởng như vô hình nhưng lại có giá trị rất lớn làm nên thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
“Kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội truyền cảm hứng cho cá nhân tôi và Bộ NN&PTNT trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thời gian tới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Hà Nội có thể hình thành các trung tâm nông nghiệp; trung tâm đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuỗi ngành hàng; phát triển các mô hình bất động sản nông nghiệp, vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi sinh sống cho người dân nội đô dịp cuối tuần; phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn bài bản hơn để khai thác tối đa các giá trị...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04 - đánh giá: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, cùng với việc hoàn thành tốt, có chất lượng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra, việc thực hiện chương trình cũng còn một số hạn chế, tồn tại.
Theo bà Tuyến, tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, chưa bền vững; sự phát triển của kết cấu hạ tầng gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại các địa phương có khoảng cách chênh lệch khá cao; thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp; văn hóa nông thôn và một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, để năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% huyện và 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Thời gian tới, bà Tuyến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền việc thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Bà Tuyến cũng đề nghị phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, cần chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn.
Cùng với đó, cần xây dựng làng văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống; quan tâm công tác bảo vệ môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm...
Đối với 5 huyện phát triển trở thành quận, bà Tuyến cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, rà soát, tích hợp các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo tiêu chí đô thị; tập trung phấn đấu có từ 80% xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước khi trở thành quận...