người dân và doanh nghiệp.
14 bộ có chức năng, nhiệm vụ gắn với doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh được chấm theo thang điểm 100. Bộ đạt điểm số cao nhất là Bộ Tư pháp với 59,01 điểm, tiếp đó là Bộ LĐ-TB&XH (58,51 điểm), KH&ĐT (56,59 điểm). Ba bộ có điểm số thấp nhất là TN&MT (51,37 điểm), kế đó là GTVT (51,93 điểm) và Bộ Xây dựng (52,1 điểm). Các bộ còn lại nằm trong khoảng giữa, với điểm trung bình của cả 14 bộ là 54,53 điểm.
MEI 2011 cho thấy, trong 6 nhóm hoạt động của các bộ, hai nhóm được chấm điểm khá nhất là “xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” và “tổ chức thi hành pháp luật”. Trong khi đó, các hoạt động như “lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” và “cung cấp thông tin pháp luật, và tuyên truyền, phổ biến pháp luật được xem là nhóm hoạt động không quá khó, không đòi hỏi chuyên môn sâu, nhưng lại bị chấm điểm thấp nhất.
Theo đánh giá của VCCI, với chỉ số MEI 2011 ở mức trung bình, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận cố gắng của các bộ trong việc thực hiện ở mức vừa đủ chức năng, nghĩa vụ của mình trước cộng đồng, nhưng chưa nhìn thấy các bộ có nỗ lực cần thiết để thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả.
Chỉ số MEI 2011 cũng cho thấy, sự bất hợp lý là các bộ chỉ tập trung vào những “việc khó”; các hoạt động dễ thực hiện hơn, đòi hỏi tinh thần thiện chí, cởi mở, cầu thị, thói quen thực hành dân chủ của các bộ đều làm chưa tốt, kém hiệu quả.
Các bộ phải tự soi lại mình
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chỉ số MEI 2011 được cộng đồng doanh nghiệp “chờ đợi” khá lâu. Như chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) lúc mới ra đời, có tỉnh đạt điểm thấp có ý kiến này nọ, thậm chí dỗi hờn, nhưng nay trở thành một chỉ số quan trọng để dựa vào đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển kinh tế địa phương.
MEI 2011 dựa trên phản hồi điều tra của của 207 hiệp hội doanh nghiệp T.Ư, cấp tỉnh, đại diện cho hơn 419 nghìn doanh nghiệp, tổ chức, kinh doanh, trong cả nước. VCCI dự kiến, sẽ thực hiện công bố chỉ số MEI hàng năm, như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Bà Lan cho rằng, với chỉ số MEI, các bộ cũng phải cố gắng làm được như vậy. Nghe và lắng nghe là hai việc hoàn toàn khác nhau. Việc lắng nghe các tham vấn, ý kiến góp ý của các bộ lâu nay còn hạn chế. “Các bộ chỉ lo làm dự án này nọ, chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước thế này, thế kia, còn việc xây dựng và thực hiện pháp luật của mình vẫn chưa làm tốt”, bà Lan nói.
MEI 2011 dựa trên yếu tố “cảm nhận” của các hiệp hội doanh nghiệp chiếm 95%, còn 5% là từ những dữ liệu khách quan. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chỉ số MEI năm tới cần bổ sung các chỉ tiêu khách quan, từ hệ thống số liệu thống kê được ở các bộ.
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, yếu tố khách quan phải chiếm 2/3. Còn GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho hay yếu tố khách quan, bên cạnh “cảm nhận” từ các hiệp hội doanh nghiệp ở mức 50-50.
Theo ông Võ, MEI năm tới cần chỉ rõ, bộ nào, lĩnh vực nào có yếu kém, cần phải cải thiện cái gì. Đây cũng là một chỉ số tham khảo để đánh giá cách điều hành của bộ trưởng. “Khi có tính khách quan nhiều hơn, thì bộ nào, vị trí nào yếu kém chắc cũng phải nhận mình yếu kém thật”- ông Võ nói.