Bộ sách quý cho những người làm báo

TP - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã xuất bản bộ sách “Thời gian và nhân chứng” gồm 3 tập trên 1.000 trang do GS Hà Minh Đức chủ biên. Cuốn sách gồm những bài hồi ký của 43 nhà báo tiêu biểu cho hàng vạn nhà báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Có 15 nhà báo sinh từ năm 1920 gồm những tên tuổi nổi tiếng trong làng báo như: Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Tô Hoài, Quang Đạm, Xích Điểu, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Vũ Đình Hòe, Hữu Ngọc, Nguyễn Minh Vĩ, Thanh Châu, Huỳnh Văn Tiểng, Bảo Định Giang, Hiền Nhân (Đỗ Trọng Quỳnh), Trần Kư.

Có 16 người sinh trong khoảng từ năm 1921 đến năm 1930: Hồng Hà, Trần Lâm, Hà Xuân Trường, Hồng Đăng, Thanh Hương, Trần Kiên, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Lê Kim, Đỗ Phượng, Lê Bá Thuyên, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Hồng Lĩnh, Phan Quang, Thái Duy, Nguyễn Thành. Số còn lại có 12 người sinh sau năm 1930 bao gồm: Nguyễn Phú Trọng, Hữu Thọ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chính, Trần Mai Hạnh, Hồ Tiến Nghị, Đinh Phong, Trường Phước, Vũ Tuất Việt, Hồng Vinh.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng) tác giả bài viết Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng.

Ở nước ta báo chí ra đời chậm hơn phương Tây gần 2,5 thế kỷ. Từ khi tờ báo cách mạng ra đời năm 1925 lấy tên là báo Thanh Niên nhiều nhà báo yêu nước theo thời gian cũng dần dần ra đi...

“Sự ra đi của họ đồng nghĩa với việc rất nhiều những dữ liệu lịch sử, những sự kiện, tình huống và ngón nghề trong hoạt động làm báo của họ cũng sẽ không bao giờ và không ai được biết đến...” (Lời giới thiệu - GS.TS Tạ Ngọc Tấn - trang 7), nếu không có bộ sách quý này giúp cho những người làm báo nhiều thế hệ về sau và nay rất nhiều kinh nghiệm quý, những bài học và để tránh những thiếu sót mà người làm báo có thể mắc phải trong quá trình tác nghiệp...

Nhà báo Quang Đạm kể: “Anh Trường Chinh quyết định đưa tôi vào ban biên tập báo Sự thật mặc dù tôi chưa phải là đảng viên chính thức... Một hôm Bác Hồ gọi vào, Bác hỏi: Chú làm gì? Trước đây chú có viết báo không? Tôi trả lời: Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Trước cháu làm hướng đạo, thời kỳ ở Cục thông tin Bộ Tổng tham mưu cháu chuyên làm mật mã. Bác nói: Trước chú làm mật mã là chú viết một cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được, không sử dụng được. Bây giờ chú viết báo Sự thật thì chú phải làm ngược lại, chú phải viết thế nào để ai cũng hiểu được...

Câu đầu tiên ấy Bác nói với tôi khi tôi bước chân vào nghề báo, tôi nhớ mãi và thường suy nghĩ để làm cho đúng thế...”.

Bộ sách Thời gian và nhân chứng.

Luôn nhớ lời của Bác Hồ, nhiều năm làm ở báo Nhân Dân nhà báo Quang Đạm được coi là Cuốn từ điển sống có rất nhiều kinh nghiệm quý trong biên tập và viết bài, được giới làm báo kính nể. Nhiều bài học và kinh nghiệm hay nhà báo Quang Đạm đã kể lại trong bài Một thời làm báo in trong tập sách này...

Nhiều nhà báo viết trong bộ sách cũng là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Sinh thời, nhà văn, nhà báo Tô Hoài làm ở báo Cứu Quốc. Ông kể nhiều chuyện thú vị trong bài “Chúng tôi làm báo Cứu Quốc Việt Bắc”.

“Cơ quan dọn lên ở một làng Dao, làng Cốc Phường cho được an toàn hơn. Gọi là làng kỳ thực chỉ có ba cái nhà đất như ba túp lều. Chúng tôi ở nhà đồng chí Chấn, trưởng thôn. Chấn có mẹ già, cô em gái tên Liễu và người anh trai tên Bảo. Mới chiều hôm cuối tháng trước khi chúng tôi đến Bảo đang ngồi trước cửa, có con gấu đi qua, con gấu tát Bảo một cái, mất một mảng má, bây giờ mặt Bảo còn bôi mật gấu và nghệ vàng xuộm...

Một cái tin ngắn, Nam Cao cũng viết có bản nháp, sửa đi sửa lại rồi đem đọc cho chú liên lạc tên là Mộc nghe. Có khi đọc cho các em bé các bản quanh đấy hay đến chơi, quấn quýt với chúng tôi. Rồi sửa lại, một cái tin, một bài xã luận, một bài ca dao cũng làm thế...

Chúng tôi nhận được nhiều thư của bạn đọc. Chúng tôi hiểu như thế là bước đầu đã đạt được những điều mà chúng tôi mong muốn. Tờ báo là bạn, là người thân của bạn đọc...” (trang 76).

GS Hà Minh Đức chủ biên bộ sách Thời gian và nhân chứng.

Tờ báo phải là bạn, là người thân của bạn đọc, một bài học đúng với mọi thời của người làm báo. Đọc bài của nhà văn, nhà báo Tô Hoài tôi mới biết nhiều truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết trong những ngày làm báo gian khổ này.

Bài “Mấy kỷ niệm và vài suy nghĩ về nghề” của nhà báo Hữu Thọ viết lúc sinh thời in trong bộ sách giúp cho người làm báo hiểu sâu sắc công việc của mình.

Nhà báo Hữu Thọ kể bài báo đầu tiên của ông viết 1.200 từ, khi đưa lên Tổng Biên tập Hoàng Tùng duyệt bị cắt hơn 1.000 từ, còn 100 từ: “Anh Hoàng Tùng không chút thương xót, xóa gần hết bài của tôi, chỉ để lại vỏn vẹn trên 100 từ. Anh là người rất thẳng thắn và nghiêm khắc. Gặp tôi anh bảo: Đáng lẽ cậu chưa nên đi công tác. Phải biết nghề báo là gì, cách viết báo thế nào thì mới viết chứ!

...Tôi dần dần hiểu rằng một đặc điểm nổi bật của nghề báo là suốt đời sống với cuộc sống để thông tin và đánh giá. Một thông tin bao giờ cũng là kết hợp khách quan và chủ quan, chẳng bao giờ là một sự chủ quan thuần túy. Vì tờ báo phải tỏ rõ thái độ thông tin... Người làm báo đưa ra thông tin nhanh và đúng, đưa lời khen và chê đúng. Dấu ấn cá nhân của người viết trong các tin bài là khá rõ...” (trang 242-243).

Nhận định này theo tôi rất đúng, nhất là với giai đoạn hiện nay khi mạng xã hội phát triển. Người làm báo phải nhanh, nhạy, có thông tin đúng, chuẩn xác và điều quan trọng là bình luận về thông tin, chiều hướng phát triển của sự kiện mà mình thông tin.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng (hiện nay là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) trong bài viết Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng đã kể khá sinh động về bài báo đầu tiên của mình và nói về nghề báo: “Tôi khai thác kết quả nghiên cứu từ luận văn tốt nghiệp đại học để viết thành bài Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu.

Tôi viết tay, giấy một mặt... cũng chỉ vì ý thức tập viết, tự cho mình chiêm nghiệm. Nhưng rồi có anh bạn khuyên tôi cứ gửi thử cho báo xem sao. Tôi đánh liều mang sang Tạp chí Văn học xem hộ... Tôi thắc thỏm, hồi hộp chờ đợi thì tôi được tin tạp chí Văn học sẽ đăng bài tôi số tới... Khỏi phải nói, tôi vui mừng thế nào, vì đây là bài viết đầu tiên của tôi được đăng báo, một bài viết được tôi thai nghén, ấp ủ hàng năm trời... Các anh lãnh đạo Viện Văn học đánh giá tốt về bài báo của tôi và có ý xin tôi về công tác ở Viện Văn học. Tôi cảm ơn và đề nghị các anh đừng đặt vấn đề xin tôi về Viện vì tôi mới về công tác ở tạp chí Học tập không cẩn thận có thể tôi sẽ bị hiểu nhầm là không yên tâm công tác...

Nếu những năm học phổ thông tôi thích nghề báo chỉ đơn giản là do cảm tính, thấy được “bay nhảy” được đi đây đi đó thì càng về sau này, qua thực tế tôi càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề hơn: Nghề báo thực sự là một nghề cao quý, một nghề có ích cho xã hội...” (trang 594-495-tập 3)

Trong bài Báo Tiền Phong trong dòng chảy đổi mới và phát triển nhà báo Dương Kỳ Anh đã nói về những kinh nghiệm trong quá trình đổi mới tờ báo của tuổi trẻ.

Từ việc tổ chức các Diễn đàn trên mặt báo thu hút hàng chục ngàn độc giả tham gia như diễn đàn Nếu tôi là lãnh đạo để mọi người dân nhất là những người trẻ tuổi hiến kế cho Đảng, Nhà nước những quyết sách, những ý kiến hay theo lời Bác Hồ dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Đến những diễn đàn như Sống hiện đại; yêu hiện đại để định hướng cho tuổi trẻ trong tình yêu trước sự thay đổi của cuộc sống hiện đại! Hay diễn đàn Người Việt, phẩm chất và thói hư tật xấu...

Từ một tờ báo xuất bản hàng tuần, rồi mỗi tuần 3 kỳ, báo Tiền Phong xuất bản hàng ngày. Đa dạng hóa ấn phẩm để đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của tuổi trẻ, báo Tiền Phong ngoài báo ngày còn có báo Tiền Phong Chủ Nhật, Tiền Phong Cuối Tháng, Tri Thức Trẻ, Người Đẹp Việt Nam.

THỜI GIAN và NHÂN CHỨNG thực sự là một bộ sách quý, cần thiết cho những người làm báo hiện nay, nhất là những nhà báo trẻ.

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 6/2024