Bỏ phí cơ hội đến Hoàng thành học sử

Khoảng 20 nghìn học sinh tham gia giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa năm qua. Tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên giá trị tích tụ nghìn năm nay ở những di sản này khai thác chưa đáng là bao.
Một góc trưng bày thu hút trẻ ở Hoàng thành

Gần chục năm sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản thế giới mới có chương trình liên kết giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội với Sở GD&ĐT Hà Nội. Từ giữa năm ngoái, học sinh Thủ đô được tới đây và di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa tìm hiểu lịch sử trong nhiều tiết ngoại khóa.

Kể chuyện Hoàng thành, chuyện lịch sử triều Lý - Trần - Lê, chuyện hai vị Tổng đốc thành Hà Nội, di tích cách mạng chống Mỹ cứu nước trong lòng di sản Hoàng thành, khám phá thành hào Cổ Loa, kiến thúc Loa Thành… là những nội dung chuyên đề gắn các bài học lịch sử với chương trình tìm hiểu di sản. Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tại Hội nghị sơ kết một năm chương trình giáo dục di sản ngày 28/8 cho hay: Hơn 19 nghìn học sinh đến trải nghiệm ở hai di sản, trong đó hơn 17 nghìn tới Hoàng thành. Số học sinh tự do tham quan cũng lên tới hơn 100 nghìn lượt.

Nhiều nhà sử học băn khoăn liệu học sinh có quay lưng với sử. Kết quả các kỳ thi vừa qua cho những con số tiêu cực, tuy nhiên giới sử học đang kỳ vọng vào nỗ lực xây dựng chương trình mới gần gũi với học sinh hơn. Chương trình lồng ghép học sử với di sản cũng là một phương pháp. “Đưa các cháu ra khỏi giảng đường đến di sản không mới, nhiều bảo tàng tổ chức rồi. Tuy nhiên chúng ta có di sản thế giới như Hoàng thành, di sản với chứng cứ về lịch sử xa xưa của dân tộc như Cổ Loa mà không khai thác được thì thật lãng phí, không làm tròn trách nhiệm”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Hoạt động ngoại khóa ở nhiều nơi trước chỉ chú trọng đưa trẻ tới các khu sinh thái, khu vui chơi giải trí đơn thuần. Ông Nguyễn Quý Liễu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng cho biết, sau khi có chương trình giáo dục di sản này hướng học sinh tới Hoàng thành, Cổ Loa hoặc tìm hiểu danh nhân Tô Hiến Thành tại địa phương. Kiến thức sách vở không bằng mắt thấy tai nghe, vì thế trò cũng yêu mến lịch sử hơn. 

Nghe thuyết minh về di tích gắn với những câu chuyện danh nhân, học sinh sau đó trả lời phiếu thực hành, tham gia trò chơi dân gian. “Tôi trải nghiệm cùng các con và thấy ấn tượng với phương pháp tìm hiểu lịch sử, di sản này. Hướng dẫn viên thuyết trình cuốn hút, học sinh có thể nhớ kiến thức tại chỗ”, bà Nguyễn Thị Vân Trang, Hiệu trưởng trường liên cấp Ngôi sao Hà Nội nói.


Không gian tái hiện làng Việt qua những ngày Tết, phòng trải nghiệm Em làm nhà khảo cổ, không gian trò chơi dân gian ở Hoàng thành chẳng hạn cho thấy nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội thu hút học sinh - thế hệ trao truyền di sản. Kết quả ban đầu đầy lạc quan, tuy nhiên những người trong cuộc thừa nhận một số hạn chế cả về nhân lực tới cơ sở hạ tầng.

Khoảng trên 3 nghìn học sinh đổ về Hoàng thành cùng thời điểm dẫn tới quá tải ở khu vực đón tiếp, bãi trông giữ xe, khu vệ sinh. Bà Hoàng Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ tổ chức nhiều chuyến trải nghiệm, đưa học sinh lớp 9 tới Hoàng thành kết nạp Đoàn than khó về việc đưa đón học sinh. Nhà trường mong chương trình đa dạng hơn nữa, chuẩn bị kỹ hơn tài liệu, và mời thêm các nhà nghiên cứu tương tác với học sinh. 

Sân khấu hóa để tái hiện lịch sử Hoàng thành, tại sao không? Được biết Trung tâm này đang ấp ủ tái hiện kỳ thi Đình ngay tại Hoàng thành, để trẻ hiểu thêm về thời kỳ lịch sử nghìn năm. 
Học sinh tới Hoàng thành hiện mới nhìn thấy một phần vỏ di sản. Những giá trị kiến trúc, khảo cổ nằm sâu trong các địa tầng văn hóa dưới lòng đất dường như còn bỏ ngỏ. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm cũng nhắc tới tâm nguyện và trăn trở của nhà sử học GS Phan Huy Lê - làm sao hướng tới thế hệ trẻ, gắn di sản văn hóa với giáo dục. “Chúng tôi tăng cường diễn giải di sản qua hệ thống di tích, di vật phong phú, các bài học lịch sử xuyên suốt nghìn năm ở Hoàng thành”, ông Trần Việt Anh nói.