Không nên im lặng
Mở đầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Tổng Thanh tra làm rõ tránh nhiệm của từng bộ, ngành để xảy ra thất thoát lớn tại TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), cũng như trách nhiệm của cá nhân Tổng Thanh tra trong vụ việc này.
Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, sau khi kết luận sai phạm của Chủ tịch và Ban giám đốc Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét trách nhiệm của các Bộ GTVT, Nội vụ và Tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, kết luận Thanh tra tại Vinalines đã nêu rõ trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, các thành viên, Tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh, các công ty con…
“Việc Vinalines mua ụ nổi quá 40 tuổi không có ai cho phép. Đối chiếu với các quy định quản lý vốn cũng đều sai. Vậy xét trách nhiệm, những người làm sai phải chịu”, ông Huệ nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) truy Tổng Thanh tra về trách nhiệm để lọt việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng. Trong quá trình thanh tra, đã xác định được vi phạm nghiêm trọng của ông Dũng tại Vinalines nhưng không có ý kiến ngăn chặn.
“Có ngán ngại, né tránh dẫn đến không thực hiện chức năng tham mưu cho Thủ tướng về việc bổ nhiệm này theo thẩm quyền của mình không?”, ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.
ĐB Nghĩa cũng đề nghị đại diện Bộ Công an thông tin với Quốc hội quá trình điều tra và chuyện ông Dương Chí Dũng bỏ trốn ra sao.
Theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, Thanh tra đã làm đúng quy định, “khi bổ nhiệm, chưa phát hiện ông Dũng vi phạm, đơn vị điều động cũng không tham khảo hỏi ý kiến, nên Thanh tra không có ý kiến gì”.
ĐB Lê Thị Nga cho rằng, trách nhiệm ở đây không phải là làm trái mà trách nhiệm vì có thẩm quyền nhưng không hành động gì. “Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nhận lỗi, nhưng cho rằng quá trình bổ nhiệm không nhận được thông tin từ Thanh tra.
Bây giờ, Tổng Thanh tra lại nói không lên tiếng do không nhận được yêu cầu của Bộ GTVT... Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ là đã im lặng, không thực hiện quyền kiến nghị của mình”, bà Nga nói.
Sau phần trả lời thêm của Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, ĐB Nga nói: “Thanh tra cứ thanh tra, bổ nhiệm cứ bổ nhiệm, điều tra cứ điều tra và cuối cùng thì ông Dũng vẫn cứ trốn thoát…”.
Không có chuyện e ngại
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông Lê Như Tiến, cho biết chỉ có khoảng 1% tổng số vụ việc (464/52.671) sau khi thanh tra được chuyển cơ quan điều tra trong 5 năm qua, còn lại hầu hết xử lý hành chính.
Trong khi đó, tài sản vi phạm liên quan tham nhũng lên tới hàng chục nghìn héc-ta đất, hàng chục tỷ đồng. “Phải chăng có xu hướng hành chính hóa các vụ tham nhũng, có biểu hiện ngại ngùng, nể nang, né tránh, e dè, sợ va chạm hoặc lựa chọn hệ số an toàn cao trong thanh tra các vụ liên quan đến tham nhũng? Trong quá trình thanh tra, Tổng Thanh tra có bị áp lực, bị cấp nào đó nắn dòng, bẻ ghi không?”, ông Tiến hỏi.
Theo ông Tiến, khi nhận được văn bản thanh tra, các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức thường rất lo lắng. “Lo chuẩn bị báo cáo, lo hành xử thế nào để đẹp lòng thanh tra viên, thậm chí có thanh tra viên còn đặt điều kiện, nhũng nhiễu cơ sở phải đón tiếp hoành tráng, chăm sóc chu đáo, khi ra về tiễn đưa hậu hĩnh, kính gửi đậm đà…
Tổng Thanh tra cho biết các giải pháp làm trong sạch đội ngũ thanh tra viên các cấp. Trong ngành Thanh tra, nên chăng cần phát động một loại đức gì đó như thanh tra đức để làm đẹp hình ảnh thanh tra?”, ông Tiến chất vấn.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, mục đích thanh tra chủ yếu tìm ra mặt làm được, chưa được của đối tượng thanh tra để chấn chỉnh, thực hiện kết luận sau thanh tra.
Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, phải bàn bạc với cơ quan điều tra thống nhất dấu hiệu vi phạm, để quyết định có chuyển sang hay không. Kết luận thanh tra chậm, có phần là do quy định, không phải là e ngại hay chọn hệ số an toàn cao.
“Chúng tôi cũng nhận là việc phát hiện vi phạm còn ít. Chúng tôi rút kinh nghiệm”, ông Tranh nói.