Bộ nên chuyển cho trường tổ chức thi tốt nghiệp

TP - Theo nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương, Bộ GD&ĐT nên giao quyền chủ động cho các tỉnh/thành, thậm chí tiến tới giao trách nhiệm cho từng trường THPT trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT.

> Đến lúc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT? 

Chấm chéo: Nhiều rủi ro, vô nghĩa

Theo nhiều cán bộ quản lý và chuyên gia giáo dục, với hàng loạt tỉnh đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100% như hiện nay, việc cho rằng kỳ thi có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, tác động trở lại hoạt động dạy – học của thầy và trò là một ảo tưởng.

Tuy nhiên, có học, có thi là lời khẳng định của tất cả cán bộ giáo dục mà phóng viên Tiền Phong phỏng vấn. Vấn đề phải giải quyết trong bài toán “có thi” là tổ chức như thế nào để vừa đỡ tốn kém (không cần thiết), vừa giảm áp lực cho xã hội và thí sinh, vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ sở giáo dục và các địa phương.

“Chúng ta không thi tiểu học, không thi tốt nghiệp THCS, nếu giờ bỏ nốt thi tốt nghiệp THPT nữa thì chẳng lẽ trong suốt 12 năm học không có một kỳ thi nào? Theo tôi, vẫn phải thi nhưng trong bối cảnh tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ngày càng cao, ngày càng ổn định thì việc thi cử này nên phân cấp cho các địa phương”, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên nói.

Phân cấp trách nhiệm cho các địa phương bằng cách trước hết bỏ việc chấm chéo tỉnh các môn, đó là quan điểm được nhiều người ủng hộ. Theo đó, trong các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, coi thi mới là khâu quan trọng nhất tác động tới tính nghiêm minh của kỳ thi. Nếu coi thi lơi lỏng, chấm chéo dù tổ chức chỉn chu, nghiêm túc đến đâu cũng vô ích, kết quả bài thi vẫn không thể hiện thực chất chất lượng dạy – học. Hơn nữa, khâu chấm thi là khâu dễ kiểm soát nên việc chấm chéo là không cần.

“Chấm chéo vừa tạo cảm giác an toàn, vừa tạo cảm giác không an toàn. Bộ công phu tổ chức chấm chéo nhưng nếu để xảy ra việc như 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã làm mà báo chí nêu thì chấm chéo cũng chẳng để làm gì!”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế nhận xét.

Còn ông Lê Thái Hoà, Phó phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Ninh Bình phân tích nguy cơ tiềm ẩn của hình thức chấm chéo: “Giả sử tai nạn xảy ra với bất kỳ một xe chở bài trên đường đưa đi chấm chéo khiến các bài thi bị mất hoặc biến dạng thì làm thế nào? Chẳng lẽ lại tổ chức thi lại? Nên để các địa phương tự chấm bài cho địa phương mình. Bộ chỉ cần cử thanh tra chéo tỉnh để kiểm soát được quy trình chấm thi, sau đó tổ chức hậu kiểm tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì khâu chấm thi đảm bảo nghiêm túc”.

Giao quyền cho hiệu trưởng?

Nhiều cán bộ quản lý cho rằng, đã đến lúc cân nhắc về tên gọi “kỳ thi quốc gia” của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một cán bộ quản lý cấp sở cho biết, dù kỹ năng tổ chức thi của các sở thành thục đến mấy nhưng khái niệm “kỳ thi quốc gia” tạo áp lực rất nặng nề với cả đơn vị tham gia tổ chức thi lẫn thí sinh.

Để phân cấp triệt để trách nhiệm tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT nên trao quyền chủ động hoàn toàn cho các tỉnh/ thành. Ngay cả thời điểm thi, không nhất thiết cả triệu thí sinh trong cả nước lên đường đi thi. “Bộ GD&ĐT có thể ra một cái khung thời gian để các địa phương tuỳ điều kiện cụ thể của mình để tổ chức thi trong khoảng đó. Đề thi do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm và cung cấp cho các địa phương qua hình thức ngân hàng đề thi”, ông Lê Thái Hoà đề nghị.

Cũng ủng hộ quan điểm không nhất thiết học sinh THPT cả nước phải thi cùng một ngày, một đề, bà Nguyễn Thu Hà cho rằng, về lâu dài, tiến tới giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các hiệu trưởng trường THPT là mong ước của nhiều cán bộ quản lý.

Về cách việc giao quyền cho hiệu trưởng, ông Lê Tiến Hưng, nguyên giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, cả nước đã từng thí điểm thực hiện một số năm trong thập kỷ 80 thế kỷ trước và kết quả rất khả quan, kỳ thi phản ánh thực chất chất lượng dạy học, nhưng không hiểu vì lý do gì cách làm này không được triển khai tiếp.

“Nên tin cậy tuyệt đối các nhà giáo, hiệu trưởng các trường. Họ là những người trực tiếp làm nên chất lượng dạy học, vì vậy phải để cho họ trực tiếp đánh giá thành quả lao động của mình. Nếu chúng ta phát huy tinh thần dân chủ triệt để thì không lo gì chuyện tiêu cực, không lo gì các thầy cô làm không hết trách nhiệm”, ông Hưng nói.

Theo Báo giấy