Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, hiện nay do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.
Vì vậy, dự thảo không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm: học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Bộ GD&ĐT nhận định chính sách mới này mang lại một số ưu điểm: người học được vay tín dụng để nộp đủ mức học phí và có đủ chi phí sinh hoạt để yên tâm theo học, sau này ra trường làm đúng nghề sư phạm được xóa khoản vay.
Đối với trường sư phạm, người học đóng học phí đầy đủ cho nhà trường theo mức thu, trường có nguồn thu trực tiếp để chủ động trang trải chi phí.
Như vậy, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, không còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho những người được đào tạo sư phạm nhưng ra trường đi làm ngành nghề khác, khiến chính sách hỗ trợ không hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Giáo dục cũng đã sửa đổi quy định về mức học phí hiện nay. Theo đó, cho phép các cơ sở giáo dục ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí.
Các cơ sở giáo dục công lập được cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và chủ động xây dựng mức thu học phí tương xứng. Đồng thời, để hạn chế tình trạng các cơ sở giáo dục ngoài công lập và mô hình chất lượng cao tăng học phí tùy tiện, Dự thảo bổ sung quy định yêu cầu các cơ sở giáo dục này phải thực hiện công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và lộ trình thu học phí cho cả khóa học, cấp học.
Bộ GD&ĐT cho biết, trước đây học phí là một loại phí thuộc ngân sách nhà nước, cơ chế thu, quản lý, sử dụng học phí thực hiện theo Pháp lệnh phí và lệ phí, theo đó học phí phải được ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước và phải nộp vào kho bạc nhà nước để theo dõi, quản lý theo quy định. Tuy nhiên, năm 2015 Quốc hội đã ban hành Luật phí, lệ phí, trong đó bỏ học phí ra ngoài danh mục phí, lệ phí do nhà nước quản lý, và coi học phí là giá dịch vụ giáo dục và đào tạo.
Theo đó, học phí thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Luật Giá, và cơ chế thu, quản lý sử dụng học phí được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá và được tính đúng, tính đủ. Vì vậy, cần phải sửa đổi quy định về học phí cho phù hợp với Luật Giá.
Không liên kết đào tạo với ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe
Cũng theo Bộ GD&ĐT, có những quy định thay đổi so với Luật Giáo dục ĐH năm 2012 về thời gian, chương trình, tổ chức đào tạo và văn bằng. Cụ thể, thời gian học đại học từ 3-5 năm (so với trước đây là 4-6 năm) để phù hợp hơn với thực tiễn và phân biệt rõ hơn chương trình đào tạo cử nhân và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù của một số ngành (đào tạo bác sĩ, kỹ sư…);
Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng; chuẩn đầu ra của chương trình phải phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Hệ thống văn bằng giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù.
Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật; công bố công khai mẫu văn bằng, các thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH.
Về tổ chức đào tạo, Dự thảo Luật quy định các cơ sở giáo dục ĐH không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề.
Cùng với vấn đề này, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra một loạt quyết sách nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, đầu ra của các cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, trách nhiệm, yêu cầu đối với sinh viên rất nhiều và cao, nhưng chính sách đãi ngộ sau khi ra trường với sinh viên sư phạm vẫn chưa nhìn thấy. Chính vì vậy, nhiều người dự đoán, năm nay, tuyển sinh khối ngành sư phạm sẽ có nhiều bất lợi, khó khăn.
Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.