Bô lão Phụ Chính bức xúc vì 2 gốc sưa 150 tỷ đồng

Mới đây, ngày 31/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại ký công văn chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá, số tiền thu được nộp ngân sách huyện trước ngày 25/4. Những người già ở Phụ Chính vừa trông giữ hai gốc sưa vừa tiếp tục đi khiếu nại. Họ khẳng định: Sẽ đấu tranh đến cùng nếu chưa đòi được công bằng.
Vết cắt của cành sưa giá 20,5 tỷ đồng.

Gìn giữ hai gốc sưa cổ suốt bao nhiêu năm trời, công sức, gian khổ, khó nhọc không kể xiết, nhiều người cao tuổi làng Phụ Chính còn phải chịu tiếng oan.

Những người đêm ngày ra sức chống lại đám sưa tặc thường xuyên rình rập lại có lúc bị gán bằng chính cái từ đầy miệt thị ấy. Quả thật quá bi hài và rất bức xúc.

Ông Vũ Viết Binh (80 tuổi), nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây cũ là một trong số 22 thành viên Ban quản lý gỗ sưa làng Phụ Chính.

Ông Binh nói rằng, không biết có phải vì báu vật làng Phụ Chính có giá trị kinh tế quá lớn hay vì lý do nào khác mà chính quyền TP Hà Nội có những cách hành xử rất khó hiểu khiến vụ việc ngày càng rắc rối.

Người làng Phụ Chính cảm thấy bị xúc phạm và oan ức. Suốt 5 năm trời họ ròng rã đi đòi công lý nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Bản kiến nghị của dân làng Phụ Chính.

Ông Binh kể: Trước khi tổ chức bán đấu giá số gỗ sưa, dân làng Phụ Chính đã tìm hiểu cặn kẽ pháp luật. Căn cứ vào thông tư 3419 ngày 12/12/2007 của Bộ NN-PTNT về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác”.


Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ cũng đã có dấu búa và xác định nguồn gốc rõ ràng của số gỗ buôn bán giữa làng Phụ Chính và ông Dương Văn T.

Vậy nhưng khi xe chở số gỗ trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính, công an huyện Chương Mỹ đã tổ chức “tạm giữ” cho đến tận bây giờ. Số tiền 20,5 tỷ đồng cũng bị phong tỏa.

Trong quá trình điều tra, ngày 5/5/2011, Công an Hà Nội có công văn gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến xử lý số gỗ.

Ngày 25/5/2011, Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản khẳng định, số gỗ sưa này là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng do cộng đồng thôn tự quyết định.

Ngày 26/3/2013, cơ quan công an ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 78/03/2013 vì không có hành vi phạm tội.

Các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp dân Trung ương, những nơi mà người làng Phụ Chính đến khiếu nại đều khẳng định, số gỗ sưa thuộc quyền khai thác và sử dụng của dân làng Phụ Chính. Rất nhiều luật sư cũng lên tiếng khẳng định công lý đứng về phía dân làng…

Tưởng chừng khi mọi việc rõ ràng thì số gỗ sưa sẽ được trao trả cho ông T., số tiền phong tỏa sẽ được trả lại cho làng, nhưng không.

Mới đây, ngày 31/3/2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại ký công văn số 86 chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện trước ngày 25/4.

Những người già ở Phụ Chính vừa trông giữ hai gốc sưa vừa tiếp tục đi khiếu nại. Họ khẳng định: Sẽ đấu tranh đến cùng nếu chưa đòi được công bằng.

Theo Theo VietNamNet