Theo công văn số 5689/BGTVT-KCHT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký ngày 17/6/2019 về việc dừng hoạt động của bến phà Vàm Cống, Bộ GTVT nhận được công văn số 3137/TCĐBVN-ATGT ngày 23/5/2019 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) về việc bảo đảm an toàn giao thông cầu Vàm Cống và dừng hoạt động của bến phà Vàm Cống.
Sau khi xem xét ý kiến của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GTVT thống nhất chủ trương dừng hoạt động của bến phà Vàm Cống theo đề xuất của Tổng cục ĐBVN. Giao Tổng cục ĐBVN căn cứ vào các quy định hiện hành để xem xét, quyết định thời điểm cụ thể dừng hoạt động bến phà Vàm Cống; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và bến phà Vàm Cống về thời gian dừng hoạt động của bên phà để người tham gia giao thông được biết, thực hiện.
Tổng cục ĐBVN có trách nhiệm xây dựng phương án xử lý các vấn đề về nhân sự (lưu ý xử lý chế độ cho viên chức và người lao động theo đúng Luật Viên chức và Bộ luật Lao động), tổ chức bộ máy và tài sản của bến phà Vàm Cống theo quy định của pháp luật.
Phà Vàm Cống chạy qua sông Hậu, nối đôi bờ thuộc huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang). Ngày 19/5 vừa qua, cầu Vàm Cống được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Trước đó, ngày 14/5, tại buổi kiểm tra điểm tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống, ông Võ Thành Thống, khi đó là Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ (nay là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT) kiến nghị Bộ GTVT xem xét không dừng hẳn hoạt động của phà Vàm Cống sau khi cầu Vàm Cống được chính thức sử dụng.
Theo ông Thống, điều này được rút kinh nghiệm từ cầu Cần Thơ trước đây. Cụ thể, sau khi cầu Cần Thơ đưa vào khai thác thì phà Cần Thơ ngưng hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhân dân ở hai bờ (người đi bộ, đi phương tiện thô sơ, làm việc ở hai bên bờ) có nhu cầu qua lại trong khi đi qua cầu không thuận lợi lắm do khoảng cách khá xa, số lượng người dân có nhu cầu này không phải ít nên kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu từ kinh nghiệm đó để phục vụ người dân tốt hơn.