>> Bài 1: Chúng tôi chỉ được góp ý
Thành công dẫn đến gia trưởng
Được biết, Vinashin còn trình cả một đề án phát triển vận tải cao tốc Bắc - Nam với mong muốn trở thành một chương trình của Chính phủ?
Khi đó Vinashin có trình một đề án như vậy. Thực ra đây là vấn đề rất cần, Bộ có xem đề án và dự kiến đưa vào chương trình của Chính phủ để thành một đề án Chính phủ phê duyệt. Nhưng sau đó Bộ thấy rằng, phát triển vận tải biển Bắc - Nam là đúng nhưng có cần thiết phải làm đề án hay không?
Đề án có nội dung là phát triển hạ tầng thì đã thuộc quy hoạch phát triển hạ tầng cảng biển rồi; luồng trên biển thì đã có sẵn không phải cải tạo. Còn việc phát triển đội tàu là doanh nghiệp tự đầu tư chứ không thể có một đề án riêng của Chính phủ. Như máy bay, ô tô, các doanh nghiệp thấy xã hội có nhu cầu rồi đầu tư, chứ Chính phủ không thể vạch ra là anh phải mua thế này, thế kia. Bộ đã kiến nghị không xây dựng đề án này và Chính phủ đã đồng ý.
Trong đề án Vinashin cũng lồng vào nội dung mua tàu cũ và Bộ đã không đồng ý. Nói đúng ra, doanh nghiệp vẫn được mua tàu cũ, miễn là đảm bảo chất lượng, không được quá tuổi tàu quy định. Tàu trên 15 tuổi là cơ quan đăng kiểm Việt Nam không đăng ký, Bộ đã làm đúng chức năng này. Nhưng Vinashin lại "lách", đăng ký tàu và cắm cờ những quốc gia khác, cho phép tuổi tàu cao hơn.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đã nhiều lần tiếp xúc, làm việc với nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình, nhưng tại sao đến nay mới nhận thấy ông này là người "độc đoán, gia trưởng"?
Đúng là chúng ta phát hiện chậm. Đây là việc làm chưa tốt của các cơ quan quản lý nhà nước. Anh Bình là người được đào tạo bài bản, có nhân thân tốt. Thực ra anh Bình là người dám làm, có ham muốn được làm, trong chừng mực nào đó là có đóng góp cho sự phát triển của ngành. Chúng ta phải thừa nhận điều đó. Nhưng khi người ta đạt được một thành công nào đó, thì dễ có biểu hiện gia trưởng, độc đoán. Đôi khi dựa vào chuyện phải sáng tạo, nhanh mà làm sai các quy định của nhà nước. Bộ thừa nhận khuyết điểm là phát hiện chậm chỗ này.
Nhưng sau khi ông Bình bị đình chỉ công tác, bắt giam thì dư luận cũng có nhận định là việc bổ nhiệm lãnh đạo Vinashin sau này cũng có phần bị động, lúng túng?
Lúng túng là do bối cảnh đang phải giải quyết những vấn đề vô cùng phức tạp ở đó. Chứ trong trường hợp bình thường mà làm công tác cán bộ như vậy là không được. Khi anh Bình bị đình chỉ công tác thì phải có người vào điều hành ngay, bởi doanh nghiệp không thể một ngày không có người lãnh đạo.
Lúc đó chưa có điều kiện để đưa tại chỗ. Thủ tướng phải cử người ở Bộ về. Nhưng người ở Bộ về chỉ là nhất thời thôi, bởi cơ quan nhà nước không thể lẫn vai doanh nghiệp được. Hiện nay đã bổ nhiệm hai đồng chí mới. Lúng túng là có nhưng trong bối cảnh đấy thì mong dư luận chia sẻ.
Phải cảnh giác với bao che, tiêu cực
Qua 11 lần thanh tra, kiểm toán mà không phát hiện ra sai phạm tại Vinashin. Nhiều ý kiến cho rằng, ở đây chỉ có hai trường hợp. Một là năng lực yếu kém của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Hai là có bao che, tiêu cực. Theo ông ở Vinashin là rơi vào trường hợp nào?
Các cơ quan có phát hiện, có chỉ ra vấn đề chứ không phải là không thấy. Nhưng sau đó HĐQT Vinashin thực thi không nghiêm túc. Điều đáng tiếc là các cơ quan nhà nước không theo thật sát, đeo bám vấn đề đến cùng. Còn có biểu hiện gì không thì tôi không dám đưa ra kết luận gì được. Chúng tôi chưa phát hiện có biểu hiện nào đó nhưng cũng không loại trừ, do vậy, mình phải cảnh giác thôi. Tôi chưa dám khẳng định là có sự móc nối hay không.
Hậu quả thì đã rõ, vậy về phía quản lý ngành, ông thấy chúng ta phải bịt những lỗ hổng trong quản lý ra sao?
Có rất nhiều vấn đề. Chúng ta đang thí điểm tập đoàn nhà nước. Bây giờ phải điều chỉnh quy chế hoạt động. Phải có một cơ quan nhà nước làm đầu mối quản lý.
Theo tôi, phải nâng trách nhiệm, quyền hạn của bộ quản lý ngành trực tiếp đối với các vấn đề của doanh nghiệp. Chứ tách ra, chia khúc, phân đoạn như vừa qua là cơ quan nhà nước lúng túng. Tiếp đến là vấn đề sở hữu. Phải thực hiện triệt để việc cổ phần hóa. Doanh nghiệp nhà nước là cần, nhà nước nắm chi phối là cần. Nhưng để giám sát hữu hiệu nhất là thông qua các cổ đông khi doanh nghiệp được cổ phần hóa. Tiền của cổ đông thì người ta giám sát được. Còn cơ quan nhà nước có bao nhiêu việc khác. Giám sát kiểu hành chính thấy rõ là hiệu quả không cao. Do vậy, quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được đẩy nhanh hơn nữa.
Chúng ta thí điểm nhưng phải bình tĩnh. Tiến tới cần điều chỉnh quy chế hoạt động của các tập đoàn. Luật hóa các quy chế hoạt động này.
Cảm ơn ông.