Bộ Công thương: Siêu cường kinh tế cạnh tranh, Việt Nam ảnh hưởng

TPO - Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cạnh tranh địa chiến lược giữa các siêu cường kinh tế ở khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế và đàm phán các FTA. Xu hướng này càng đặc biệt rõ hơn ở các vấn đề mới, chẳng hạn như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam 2018 diễn ra tại Hà Nội sáng nay (4/12) cho rằng, những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới đã và đang có tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng.

Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam 2018 với sự tham gia của nhiều đại biểu

Theo Thứ trưởng Hải, cạnh tranh địa chiến lược giữa các siêu cường kinh tế ở khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế và đàm phán các FTA. Xu hướng này càng đặc biệt rõ hơn ở các vấn đề mới, chẳng hạn như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ... Do vậy, cân nhắc và quyết định tham gia đàm phán mỗi FTA đang trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Ngoài ra, hệ thống thương mại đa phương có thể sẽ còn gặp không ít thách thức. WTO đã đưa Hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào thực hiện từ năm 2017, song bước tiến này là không đủ. Tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trở nên thường xuyên và gây lo ngại hơn bao giờ hết. Việc xử lý tranh chấp không còn dừng ở mức trao đổi, đàm phán song phương, mà đã nâng thành hành động pháp lý. Các vụ kiện ra WTO trở nên phổ biến và đồng loạt hơn dù WTO rất tích cực tham gia giải quyết bất đồng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, một số nền kinh tế lớn đã có nhìn nhận khác nhau về vai trò và tôn chỉ của tổ chức này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh, việc các lãnh đạo cấp cao APEC không thông qua được tuyên bố chung tại Port Mortsby – lần đầu tiên trong lịch sử APEC – chính là một kết quả không mong muốn, bởi nguyên nhân một phần là sự thiếu đồng thuận về tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Nếu không quyết tâm và trao đổi thẳng thắn hơn nữa, các nền kinh tế thành viên APEC có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc thúc đẩy hành động thực chất hướng tới thực hiện mục tiêu Bogor vào năm 2020 và xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

"Các nỗ lực thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế ở cấp khu vực, nhiều bên và song phương vẫn tiếp diễn, dù có chậm hơn. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là một khu vực năng động hàng đầu trong tiến trình này. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thống nhất tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, ký kết vào tháng 3/2018 và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 tới đây. Mới đây nhất, lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng khẳng định quyết tâm hoàn thành đàm phán hiệp định này vào năm 2019. ASEAN vẫn phát huy được vai trò trung tâm ở các thiết chế của khu vực", Thứ trưởng Hải cho biết.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, những xu thế trên có thể mang lại một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam. Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng.

Những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ. Chính ở đây, những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 nếu được kịp thời ứng dụng ở những lĩnh vực như logistics, tài chính, tổ chức sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, dịch vụ hành chính công, v.v. thì sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Ước lượng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.