Cụ thể, Chương IV, dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 Điều, quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; GPLX; điểm của GPLX; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đào tạo lái xe...
Đối với GPLX xe mô tô:
Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kw.
Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kw và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Đối với xe ô tô:
GPLX hạng A1, A, B1 không thời hạn; hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ; xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg.
Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo kết kế trên 3.500 kg - 7.500 kg; các loại xe ô tô tải theo quy định cho GPLX hạng C1 có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B.
Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo kết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải theo quy định cho GPLX hạng C có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B, C1.
Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 8 chỗ đến 16 chỗ; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D1 có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B, C1, C.
Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 16 chỗ đến 29 chỗ (không kể lái xe); các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D2 có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B, C1, C, D1.
Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B, C1, C, D1, D2.
Hạng BE cấp cho người lái xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; hạng C1E cấp cho người lái xe ô tô quy định cho GPLX hạng C1 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.
Hạng CE cấp cho người lái xe ô tô quy định cho GPLX hạng C kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc.
Hạng D1E cấp cho người lái xe ô tô quy định cho GPLX hạng D1 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; hạng D2E cấp cho người lái xe ô tô quy định cho GPLX hạng D2 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.
Hạng DE cấp cho người lái xe ô tô quy định cho GPLX hạng D2 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.
Người khuyết tật được cấp GPLX ô tô
Dự thảo cũng quy định rõ việc người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp GPLX hạng A1.
Người khuyết tật điều khiển ô tô được cấp GPLX hạng B để lái xe ô tô số tự động có cơ cấu phù hợp với tình trạng khuyết tật.
Đối với người điều khiển xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ phải có GPLX ô tô; hạng GPLX được tính theo quy định đối với ô tô tải và ô tô chở người.
Trường hợp xe được thiết kế, cải tạo số chỗ ít hơn xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương thì hạng GPLX được tính theo xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương.