Bộ Công an đề xuất Phó Tùy viên Quốc phòng được cấp hộ chiếu ngoại giao

TPO - Chiều 12/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xây dựng dự án luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên họp

Dự thảo luật có 3 điều, trong đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 2 nhóm nội dung: Nhóm nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử và nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong đó, bổ sung quy định người giữ các chức vụ từ Phó Tùy viên Quốc phòng trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, phái đoàn thường trực Việt Nam tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thuộc trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao.

Bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả; quy định về thời hạn sử dụng còn lại của hộ chiếu từ đủ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh theo hướng hộ chiếu còn thời hạn sử dụng là đủ điều kiện xuất cảnh...

Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung: Nhóm nội dung sửa đổi các quy định của luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam.

Theo đó, nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp

Qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật. "Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật, theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội", Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nêu.

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau đại dịch, các nước đều cố gắng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để phục hồi phát triển KTXH, tạo điều kiện cho công dân của mình và người nước ngoài trong vấn đề cấp visa, thủ tục xuất, nhập cảnh.

"Đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp, có báo cáo toàn diện, đầy đủ, thuyết phục để Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua trong 1 kỳ họp, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH, trong đó có du lịch", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.