Bộ Chính trị đồng ý cho phép các địa phương xét đặc cách giáo viên hợp đồng

TPO - Đối với 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Bộ Nội vụ khẳng định, việc quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển “thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội”. Về việc này, Bộ Chính trị cũng đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước.
256 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn mong muốn được xét tuyển đặc cách

Khắc phục bất cập, đem lại niềm tin cho giáo viên

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có phiếu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giải pháp tháo gỡ bất cập, đem lại sự công bằng, đáp ứng mong đợi chính đáng của 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn. Đồng thời đại biểu cũng chất vấn biện pháp căn cơ của Bộ trưởng ra sao, nhằm khắc phục triệt để thực trạng này, nhằm đem lại niềm tin cho giáo viên, thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, theo quy định của Luật Viên chức và các Nghị định liên quan, thì việc quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển “thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội”. Để tháo gỡ bất cập hiện nay trong công tác tuyển dụng giáo viên của thành phố Hà Nội, nhất là đối với giáo viên đang dạy hợp đồng, Bộ Nội vụ đã phối hợp, trao đổi với thành phố Hà Nội về vấn đề tuyển dụng viên chức giáo viên.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã đề nghị tổ chức rà soát thống kê số lượng nhà giáo hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét, quyết định việc tuyển dụng (qua thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt) đối với viên chức ngành giáo dục năm 2019 phù hợp, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.

Để khắc phục tình trạng hợp đồng giáo viên nêu trên, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban cán sử đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Theo đó, tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Quy trình xét đặc cách thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý viên chức.

Sau khi xét đặc cách, số giáo viên đang hợp đồng lao động nếu còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện thi tuyển, xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi đã tuyển đủ số chỉ tiêu biên chế được giao mà vẫn dôi dư thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 171, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Để bảo đảm sự công khai, minh bạch, công bằng và thực hiện đúng quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 161 của Chính phủ.

Bộ Nội vụ nhấn mạnh yêu cầu, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển dụng hàng năm trên cơ sở chỉ tiêu số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền phân bổ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Qua đó, kịp thời bổ sung viên chức vào làm việc trong cơ quan, đơn vị mình theo nhu cầu.

“Việc tuyển dụng viên chức đã được phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Vì vậy, đề nghị các Bộ, ngành, đại phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng chức trách, thẩm quyền hoặc vi phạm trong tuyển dụng viên chức tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý”, Bộ Nội vụ nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, Báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh về những bất cập trong công tác tuyển dụng đối với 256 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn, Hà Nội. Bất chấp mong muốn của các giáo viên, vào ngày 11/7 vừa qua, 256 giáo viên đã rất sốc và bất ngờ khi Huyện ủy Sóc Sơn có văn bản thông báo kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục 2019. Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn thống nhất lựa chọn hình thức thi tuyển đối với việc tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 theo đề xuất của UBND huyện.

Ngay sau khi nhận được thông báo, các giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đã có đơn khiếu nại gửi chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thể hiện mong muốn được xét tuyển đặc biệt (đặc cách) theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Quyết định số 3455/QĐ-UBND ngày 28/06/2019. Trong trường hợp cần thiết đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại trực tiếp với 256 giáo viên dạy hợp đồng trước khi đưa ra “phán quyết về số phận của 256 giáo viên”.