Biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh ở tại khu phố 5, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa được xây dựng vào năm 1924. Căn nhà gồm 2 tầng, được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây. Đây cũng là căn biệt thự nổi tiếng khi xuất hiện nhiều trong bối cảnh nhiều bộ phim trong đó có bộ phim nổi tiếng Người đẹp Tây Đô.
Căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Theo quy hoạch Dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) thì “nhà lầu ông Phủ” nằm trong vùng dự án và phải thực hiện giải tỏa một phần. Theo bảng chiết tính giá bồi thường để thực hiện Dự án đường ven sông Đồng Nai của Trung tâm phát triển quỹ đất TP Biên Hòa năm 2022, đối với tài sản “nhà lầu ông Phủ” tại địa chỉ khu phố 5, phường Bửu Long là gần 5,4 tỷ đồng.
Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết liên quan đến công trình kiến trúc lâu đời “nhà lầu ông Phủ”, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát thực tế vị trí công trình bị ảnh hưởng khi thi công dự án.
Tại buổi khảo sát, bước đầu ghi nhận, khu vực quy hoạch để thực hiện dự án sẽ lấn vào công trình “nhà lầu ông Phủ” khoảng 9 m, tương đương với khoảng một nửa biệt thự này nằm trong phạm vi quy hoạch thực hiện dự án. Hiện dự án thực hiện đến khu vực căn nhà này.
Liên quan đến thông tin giải tỏa công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” để triển khai thi công Dự án đường ven sông Đồng Nai, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ quan điểm rằng với công trình biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh và tuyến đường ven sông Đồng Nai có thể có 2 giải pháp để xử lý vấn đề.
Theo đó, một là có thể nhờ “thần đèn” di dời vào bên trong và dành quỹ đất để biến khu vực này thành một điểm đến về văn hóa, du lịch. Hai là có thể “nắn” lại tuyến đường ra phía sông Đồng Nai. Bởi theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn việc bảo tồn di sản này nó có ý nghĩa rất lớn.
Theo ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đồng Nai, biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây là ngôi nhà do ông Đốc phủ Võ Hà Thanh xây dựng cùng thời với Tòa bố Biên Hòa. Toàn bộ vật liệu kết cấu được nhập từ Pháp về. Đây là công trình khá là có ý nghĩa về giá trị lịch sử và văn hóa.
Quan điểm cá nhân, ông Trần Quang Toại cho biết trong điều kiện quy hoạch phát triển của chúng ta hiện nay, việc “nắn” lại đường ven sông Đồng Nai là hoàn toàn trong khả năng. Do đó, nếu có điều kiện thì các cơ quan chức năng cũng xem xét phương án “nắn” đường vừa đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời đảm bảo được view để nhìn ra sông Đồng Nai và vừa bảo tồn được công trình biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh.
Mạnh Thắng