Biệt phủ trái phép trên rừng Hải Vân: Câu giờ chờ 'giải cứu'?

TP - Rốt cuộc hạn ngày 30/11 tháo dỡ khu biệt phủ trái phép trên rừng Nam Hải Vân đã không diễn ra bởi trước đó, ngày 28/11, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn gửi quận Liên Chiểu, thống nhất chưa tháo dỡ, chờ ý kiến chỉ đạo của T.Ư.
Khu biệt phủ trăm tỷ vẫn yên bình.

Đáng nói, việc tháo dỡ là động thái xử lý quyết liệt của lãnh đạo Đà Nẵng, đã được thống nhất ghi vào Nghị quyết tại kỳ họp HĐND thành phố hồi tháng 7 vừa qua.

“Theo nguyên tắc, Nghị quyết HĐND ban ra thì phải thi hành, tuy nhiên, khi cấp trung ương có ý kiến chỉ đạo rà soát lại thì địa phương phải chấp hành. Thủ tướng có quyền hủy bỏ Nghị quyết của HĐND thành phố” – ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, nói.

Bỗng trở thành “quần thể du lịch”!?

Sau khi được UBND thành phố Đà Nẵng cho gia hạn tới ngày 30/11 thay vì hết tháng 8/2015 như Nghị quyết HĐND (nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, kỳ họp 14 ngày 9/7, khóa VIII nhiệm kỳ 2011 - 2016) ban hành, ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Cty TNHH Phước Minh, chuyên khai thác khoáng sản, vàng tại Quảng Nam) đã gửi đơn “kêu cứu” tới các cơ quan trung ương, từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tới Văn phòng Chính phủ. Vì lý do này, đã có nhiều đoàn thanh tra liên ngành của trung ương được cử về Đà Nẵng để rà soát vụ việc.

Như vậy, cho đến nay, mặc dù sai phạm nhẹ hơn, nhưng biệt thự của Thiếu tướng Phan Như Thạch đã được gia đình chấp hành đập bỏ, còn khu biệt phủ ông Ngô Văn Quang, nằm sâu hơn trong rừng đặc dụng Nam Hải Vân, vẫn đang được tồn tại để chờ các cấp cao hơn “giải cứu” (?).

Đặc biệt, ngoài đơn của ông Quang, Văn phòng Chính phủ còn nhận được đơn của “tập thể các hộ dân phường Hòa Hiệp Bắc”, kiến nghị Trung ương cho giư lại công trình này vì đã “tạo điều kiện công ăn việc làm cho dân”. Ông Trương Việt – Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho hay, khi đại diện của những hộ này gửi đơn ra trung ương, phường hoàn toàn không hề hay biết (?). “Nếu biết thì chúng tôi đã ngăn cản rồi, không thể để gửi vượt cấp như thế được”.

Được biết, tại buổi làm việc giữa Thanh tra Chính phủ và quận Liên Chiểu vào ngày 26/11, đa phần ý kiến, từ tổ dân phố, lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu… đều nghiêng về quan điểm nên phạt hành chính đối với ông Ngô Văn Quang rồi cho tồn tại vì lý do nếu tháo dỡ sẽ gây lãng phí của cải tài sản xã hội!

Trả lời phóng viên Tiền Phong, ông Việt không thể hiện quan điểm của mình khi được hỏi và cho rằng, trách nhiệm của phường là thi hành lệnh từ cấp trên. Mặc dù vậy, trong buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ, ông Trương Việt cho hay, phần đất của ông Ngô Văn Quang (trên đồi Chim Chim) là “nằm trong quần thể du lịch (?)”, và hiện phường đã có phương án trình cho quận Liên Chiểu và UBND thành phố, “chuyển khu vực này thành khu du lịch”!

Khu biệt thự Thiếu tướng Phan Như Thạch đã được đập bỏ (ảnh chụp sáng 30/11).

Bên đập, bên chờ…

Theo công văn ngày 28/11 của UBND thành phố Đà Nẵng, thống nhất chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính tháo dỡ cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ. Được biết, ngày 27/11/2015, UBND quận Liên Chiểu có văn bản kiến nghị về việc xử lý công trình xây dựng không phép, điều này có nghĩa, quận Liên Chiểu đã đề nghị thành phố cho chưa tháo dỡ công trình trái phép của ông Quang trong thời điểm này.

Ngay sau khi UBND quận Liên Chiểu ra quyết định xử phạt hành chính và tháo dỡ đối với biệt thự của Thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên Giám đốc Công an Quảng Nam) và khu biệt phủ ông Ngô Văn Quang, gia đình tướng Thạch đã nghiêm túc chấp hành, tự đập bỏ biệt thự vào đầu tháng 3/2015. Sau đó, Kiểm lâm Đà Nẵng cũng đã thu hồi đất rừng đã giao khoán cho gia đình tướng Thạch, bao gồm cả khu đất của ông Ngô Văn Quang, được xác định là chuyển nhượng trái luật giữa ông Thạch và ông Quang. Thế nhưng, riêng ông Ngô Văn Quang lại tiếp tục khiếu nại lên thành phố và có đơn gửi ra Trung ương và được Đà Nẵng gia hạn.

Tại kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 7 vừa rồi, cả ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND thành phố) cũng như ông Trần Thọ (lúc đó là Bí thư Thành ủy) đều nêu quan điểm kiên quyết đập bỏ khu biệt phủ sai phạm, thượng tôn pháp luật và lấy lại lòng tin của nhân dân. Điều này được 100% đại biểu nhất trí, sau đó được ghi rõ vào Nghị quyết.

Ông Trần Thọ - Chủ tịch HĐND, cho biết, về nguyên tắc Nghị quyết đã ban hành thì phải thực hiện, tuy nhiên khi người dân có khiếu nại ra Trung ương và Thủ tướng yêu cầu lập đoàn rà soát, báo cáo lên Chính phủ thì thành phố phải chấp hành. “Nghị quyết là thế, nhưng nếu sau khi thanh kiểm tra, các ban ngành Trung ương nhận thấy có thể giữ lại, tăng lợi ích cho địa phương, cho người dân và quyết định không tháo dỡ thì thành phố phải chấp hành thôi” – ông Thọ nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc Thủ tướng chỉ đạo rà soát không có nghĩa là Nghị quyết của HĐND thành phố sai mà là để đảm bảo công bằng cho công dân. “Đập hay không giờ phải chờ quyết định của Thủ tướng, địa phương không thể làm gì khác được” - ông Hùng bày tỏ.