Biết gì về 'làng giám đốc' ở Bắc Ninh đang bị thất thoát quỹ di tích 53,3 tỷ đồng

TPO - Những năm đầu 2000 cho đến 2015, Đồng Kỵ có hơn 500 doanh nghiệp tư nhân ra đời nhờ nghề gỗ mỹ nghệ. Làng còn được biết đến với tên gọi là “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú”, người dân bước chân ra ngõ là gặp giám đốc. Những ngày qua, Đồng Kỵ lại gây xôn xao với thông tin quỹ di tích bị thất thoát hơn 53 tỷ đồng. 

Thời đỉnh cao cứ 10 hộ dân lại có một giám đốc

Nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 25 km theo hướng Đông Bắc, làng Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trước đây chỉ là một làng nghề nhỏ. Từ tháng 9/1999 làng thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn.

Năm 2008, theo quyết định thành lập TX Từ Sơn, chia tách xã Đồng Quang thành phường Trang Hạ và phường Đồng Kỵ. Đến nay, Đồng Kỵ có thêm một khu công nghiệp làng nghề, 2 khu dân cư với khoảng 22.000 người.

Khi kinh tế thị trường phát triển, dân làng ngày càng “ăn nên làm ra". Đầu những năm 2000, Đồng Kỵ được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của huyện Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh.

Một góc nhà thờ tổ nghề gỗ của vợ chồng doanh nhân hàng đầu Đồng Kỵ. Ảnh: Hoàng Việt.

Những năm đầu 2000 cho đến 2015, Đồng Kỵ có hơn 500 doanh nghiệp tư nhân ra đời nhờ nghề gỗ mỹ nghệ. Làng còn được biết đến với tên gọi là “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú”. Người dân bước chân ra ngõ là gặp giám đốc.

Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được làm khéo léo, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, làm đồ ngang (xẻ gỗ thành tấm theo kích cỡ đã định trước) đến khâu chạm khắc và hoàn thiện.

Thị trường đồ gỗ mỹ nghệ được mở rộng, không chỉ bán trong nước, đồ gỗ Đồng Kỵ còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Hàng trăm hộ buôn bán lớn, sở hữu tài sản hàng chục tỷ đồng trở lên. Thời kỳ đỉnh cao, hơn 60% sản phẩm gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được tiêu thụ ở thị trường Đông Nam Á và một số nước châu Âu.

Bàn ghế gỗ trắc Đồng Kỵ.

Những năm gần đây, đặc biệt là sau dịch COVID-19, hàng sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ nội địa. Một số xưởng gỗ trước đây có từ 15 thợ trở lên mới đủ đáp ứng các đơn hàng, giờ chỉ còn 4 thợ. Phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất của Đồng Kỵ đều đang trong tình trạng làm ăn khó khăn. Việc xuất khẩu bị đình trệ, lượng tồn của các mặt hàng gỗ, nhất là gỗ trắc lên tới hàng chục nghìn m3.

Dân làng cho biết trước đây đường làng tấp nập các loại xe sang, nhưng hiện nay nhiều chiếc trong số đó đã được chủ nhân đem gán nợ.

Quỹ di tích lên tới hàng chục tỷ đồng

Mấy năm nay, chuyện giàu có của ngôi làng nức tiếng một thời ít được nhắc đến. Hôm 16/4, làng Đồng Kỵ bỗng gây xôn xao vì tin thất thoát 53 tỷ đồng quỹ di tích. Số tiền này có được từ việc người dân Đồng Kỵ bán cây gỗ sưa trong đình, lập ra các sổ tiết kiệm do Ban quản lý di tích làng Đồng Kỵ quản lý.

Tuy nhiên, thủ quỹ Ban quản lý di tích làng Đồng Kỵ đã thế chấp hơn 10 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 53,3 tỷ đồng để vay tiền rồi đưa cho người khác mượn, đến nay chưa thể thu hồi.

Kiến trúc đình làng được xây dựng theo kiểu chữ công

Quần thể di tích đình, chùa làng Đồng Kỵ mang nét đẹp cổ kính, đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người vùng quê Kinh Bắc. Đây cũng là một trong 14 điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Đình Đồng Kỵ được xây dựng từ thời Lý, đến thời hậu Lê được xây dựng lại với quy mô lớn hơn và được trùng tu vào thời Nguyễn. Đình thờ Thành Hoàng làng là Đức Thánh “Thiên Cương” có công đánh giặc Ân vào thời Hùng Vương thứ 6.

Kiến trúc đình làng được xây dựng theo kiểu chữ công, gồm tòa Đại bái, Thiêu hương và Hậu cung với tám góc đao cong vút. Các cấu kiện gỗ như đầu dư, cốn, kẻ bẩy... được chạm trổ hoa văn rồng phượng rất tinh tế và có tính nghệ thuật cao.

Đình Đồng Kỵ còn lưu giữ hai quả pháo lớn bằng gỗ, vào dịp hội làng được dân làng rước tượng trưng cho phong tục đốt pháo xưa.

Chùa Đồng Kỵ có tên chữ là Tây Am Tự - nằm liền kề với đình làng thành một quần thể di tích hài hòa.

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Nguyễn Trọng Tài.

Tòa tam bảo của chùa từng là cơ sở hoạt động cách mạng quan trọng thời kỳ Tiền khởi nghĩa (1940-1945). Ngày 9/3/1945, Ban Thường vụ T.Ư Đảng đã họp Hội nghị mở rộng tại chùa Đồng Kỵ và ra bản chỉ thị lịch sử Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chùa được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1974.

Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh khánh thành năm 2019 từng gây tranh cãi vì sử dụng loạt bàn ghế gỗ Đồng Kỵ làm ghế ngồi cho khán giả. Tổng kinh phí cho hạng mục này là 6,3 tỷ đồng.