Tuyên bố được hai nước đưa ra sau cuộc gặp không đề cập gì đến biển Đông, vùng biển tranh chấp cho dù Mỹ và Trung Quốc khác biệt sâu sắc trong vấn đề này.
Thay vào đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, quản lý sử dụng chất opioid fentany tổng hợp, và vấn đề thương mại.
Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời nhà bình luận quân sự Song Zhongping (làm việc tại Hong Kong) nói rằng khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc quá lớn để có thể bắc cầu, nên việc để vấn đề này sang một bên sẽ giúp hai bên giải quyết các vấn đề thương mại.
“Trung Quốc luôn nói đến những lợi ích của họ trên biển, trong khi Mỹ chú trọng tự do hàng hải. Đó là khác biệt ngay từ điểm khởi đầu và không dễ hòa giải”, ông Song nói.
Nhà nghiên cứu Wang Dehua, một chuyên gia về các vấn đề Nam và Trung Á đang công tác tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, cho rằng các nước liên quan trên biển Đông đang trong giai đoạn "hạ nhiệt", khiến tình hình bớt dậy sóng.
“Cần tạo không khí thuận lợi cho đối thoại, nên Trung không nghĩ cần đề cập đến vấn đề biển Đông. Còn Mỹ hiểu họ sẽ không được lợi gì khi xới nó lên”, ông Wang nói.
Cả Washington và Bắc Kinh đều nói rằng cuộc gặp cuối tuần qua của hai nhà lãnh đạo là thành công và đồng ý sẽ không áp thuế quan bổ sung từ ngày 1/1 năm tới.
Nhưng trong khi Nhà Trắng nói rằng cả hai nước cần giải quyết 7 vấn đề quan ngại kinh tế của Mỹ trong vòng 90 ngày, nếu không Mỹ sẽ tăng thuế, Bắc Kinh không đề cập gì đến giai đoạn ân hạn này.
Và trong khi Trung Quốc nói rằng họ đồng ý mua thêm hàng của Mỹ dựa trên nhu cầu của thị trường, Mỹ nói rằng lượng hàng này sẽ “rất đáng kể”.
Nhà Trắng cũng nói rằng ông Tập sẵn sẵn chấp nhận thỏa thuận giữa hãng chế tạo chip Qualcomm của Mỹ với đối thủ linh kiện bán dẫn Hà Lan NXP, Bắc Kinh không đề cập gì đến việc này.
Mỹ im lặng về quan hệ với Đài Loan, còn Trung Quốc nói Mỹ sẽ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói với một phái đoàn Mỹ vào cuối tuần trước rằng Mỹ là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Đài Loan, và rằng chính quyền đảo này mong muốn tiếp tục quan hệ chặt chẽ và mở rộng hợp tác với Mỹ.
Đáp lại, Bắc Kinh đang gia tăng sức ép lên Đài Loan, bao gồm việc tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự quanh đảo này và lôi kéo các đồng minh của Đài Bắc.
GS Li Mingjiang, công tác tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam School tại Singapore, cho rằng quan điểm của Mỹ về Đài Loan, bao gồm việc đưa các tàu chiến đến eo biển Đài Loan, có thể gây tác dụng ngược.
“Đài Loan được coi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nếu một quan chức cấp cao Mỹ gặp lãnh đạo Đài Loan, quan hệ Mỹ - Trung có thể tồi tệ hơn”, ông Li nói.