Tiểu thương lỗ cả trăm triệu
Chiều 14/8, lượng hàng hóa Trung Quốc, nhất là hoa quả nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) sụt giảm. Ngược lại, nông sản của Việt Nam, nhất là thanh long, chôm chôm, chuối xanh, nhãn ồ ạt làm thủ tục thông quan, xuất bán sang Trung Quốc. Ước tính, có tới 500 xe container đỗ dọc đường cái dẫn đến cửa khẩu dài chừng 3 km, dồn chật cứng.
Bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Dịp này, quả thanh long vào chính vụ, chủ hoa quả ở các tỉnh miền Nam cho xe chở đến nhiều, ắt dẫn đến ùn ứ. Việc đồng nhân dân tệ (NDT) bị phá giá chưa thể hiện rõ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu qua biên giới, nhất là cửa khẩu có lượng hoa quả xuất khẩu lớn như Tân Thanh.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển chiến lược phát triển NNNT (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc chiếm khoảng 20% thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Khi họ phá giá đồng tiền, hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc kém khả năng cạnh tranh hơn. Theo ông Tuấn, để hỗ trợ các DN, có thể điều chỉnh thận trọng về tỷ giá, đồng thời cần xem xét các gói hỗ trợ khác bù lại. Chẳng hạn, DN cuối năm ngoái, đầu năm nay gặp khó khăn về vốn (thủy sản, lúa gạo…) có thể khoanh nợ, giúp họ hồi phục khi có cơ hội thị trường. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ về vận chuyển, xúc tiến thương mại, tháo gỡ về vốn và đất đai.
Dẫn phóng viên Tiền Phong đến chứng kiến từng cỗ máy đắp chiếu trong nhà xưởng sản xuất xốp đóng hoa quả xuất khẩu, bà Phạm Thị Dung, Giám đốc Cty TNHH Phúc Thịnh (thành phố Lạng Sơn) than phiền: “Chưa kể việc đồng NDT rớt giá làm chúng tôi lao đao, mà công việc làm ăn với phía Trung Quốc vài tháng gần đây rất khó khăn. Hiện nay, hàng hộp xốp còn tồn khoảng 30 vạn chiếc, Cty tôi cầm chắc lỗ gần 20 tỷ đồng”- bà Dung nói.
Bà Dung cho biết; “Chẳng hiểu làm sao, bên phía bạn cứ dền dứ việc buôn bán nên chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Hôm qua, Cty tôi xuất 13 xe container quả thanh long, nhãn, khoai lang. Chỉ sau một ngày chưa thanh toán đã lỗ gần 300 triệu đồng. Tuy thế, chúng tôi vẫn nhắm mắt xuất hàng, vì hợp đồng đã ký kết từ trước”.
Cùng cảnh ngộ, ông Chu Bằng- chủ vựa vải khô lớn ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc nói: "Giá vải lên xuống thất thường, nay phía Trung Quốc phá giá đồng NDT làm doanh nghiệp khốn đốn. Ngày 14/9 giá vải giao dịch ở mức 37.000VND/kg. Để tránh lỗ nặng, chúng tôi thương lượng, thống nhất giá đầu vào tương ứng với tỷ giá giao dịch giữa hai nước Việt- Trung, hy vọng sẽ giảm thiểu ít nhiều thiệt hại".
Theo ghi nhận, chiều 14/8 ở Lạng Sơn, tỷ giá đồng NDT đã nhích lên chút ít, cụ thể: 1.000 NDT đổi được 3.460 nghìn VND.
Vẫn phập phồng lo
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), việc Trung Quốc phá giá đồng NDT với biên độ 4,6% sẽ tác động đến ngành cao su Việt Nam. Bà Hoa phân tích: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của cao su thiên nhiên nguyên liệu Việt Nam, với sản lượng xuất khẩu 460.000-500.000 tấn mỗi năm (chiếm khoảng 40% - 50% tổng lượng cao su xuất khẩu cả nước, dù tỷ trọng giảm dần).
Khi đồng NDT giảm giá, khiến cao su thiên nhiên nhập khẩu từ các nước trong khu vực vào Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn so với trước đây, làm giảm khả năng cạnh tranh so với cao su nội địa của Trung Quốc.
Đối với các hợp đồng thanh toán bằng đồng USD, trước bối cảnh đồng NDT mất giá, các DN Trung Quốc phải chi thêm hơn 4% cho các đơn hàng mua với giá trước đây, vì vậy đang có xu hướng ép giá cao su Việt Nam để bù đắp lại phần thâm hụt khi chuyển đổi từ NDT sang USD.
Cũng giống như cao su, nhiều nông sản khác của Việt Nam bị hút vào khi đồng NDT bị phá giá.
Đồng Nhân dân tệ giảm giá: Thủ tướng yêu cầu theo sát diễn biến tình hình thế giới
Ngày 14/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá và những tác động, ảnh hưởng có thể đến nền kinh tế Việt Nam. Đánh giá cao phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp bước đầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu các ban, bộ, ngành tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực, nhất là thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước… Đồng thời thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra cho năm 2015.
Dũng Nguyễn