Sáng 11/7, Thành ủy TP. Thủ Đức (TPHCM) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 – 2025, sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 và đánh giá kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn.
Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.
Trao đổi tại hội nghị, ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Giao thông công chính TP. Thủ Đức cho biết, thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND TP. Thủ Đức phối hợp các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn TP Thủ Đức cũng như đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung đầu tư các công trình giao thông.
Đối với vấn đề chống ngập trên địa bàn, ông Nghĩa cho hay trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, TP Thủ Đức đã tập trung rất nhiều dự án, công trình để triển khai. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện 17 dự án giải quyết các điểm ngập đã xác định trên địa bàn.
Ông Nghĩa thông tin, khu vực chợ Thủ Đức với lưu vực ngập là 468ha, có thể xem khu vực này như một lòng chảo. Để chống ngập rốt ráo thì phải có các giải pháp tổng thể từ phi công trình đến công trình và chia thành các giai đoạn tổ chức thực hiện.
Chia sẻ việc vừa qua người dân rất quan tâm đến việc hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân đã thực hiện xong nhưng chợ Thủ Đức lại ngập, ông Nghĩa khẳng định hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân được đầu tư không phải nhằm chống ngập cho chợ Thủ Đức, mà mục tiêu chính là thu nước và thoát nước nhanh, mạnh trên đường Võ Văn Ngân, không để xảy ra các điểm ngập cục bộ và đặc biệt là khắc phục việc nước chảy xiết ở đoạn dốc rất lớn trước khu vực Nhà thờ Thủ Đức vốn gây mất an toàn giao thông trong thời gian trước.
Cũng theo ông Nghĩa, lưu vực của hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân là 87ha, trong khi lưu vực thoát nước của chợ Thủ Đức lên tới 468ha. Do vậy, TP. Thủ Đức đề ra một số giải pháp trước mắt, cụ thể và dài hạn.
Theo đó, giải pháp trước mắt là tập trung khẩn trương nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước ở khu vực chợ Thủ Đức, phần hạ lưu là rạch Cầu Ngang… Giải pháp trung hạn là tập trung đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình đã được HĐND TP Thủ Đức thông qua để đảm bảo giải quyết được vấn đề trên.
“Và giải pháp căn cơ nhất là phải nâng cấp, cải tạo chợ Thủ Đức theo đúng quy hoạch, với tổng kinh phí khoảng 4.400 tỷ”, ông Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng nếu thực hiện được việc này thì sẽ giải quyết cơ bản được ngập tại chợ Thủ Đức trong thời gian sắp tới.
TPHCM tính đến việc phải có các hồ điều tiết
Trao đổi về nội dung này trong chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết việc này cũng liên quan tới tinh thần trách nhiệm, bàn giao, phân công, phân cấp mà Thủ Đức đề xuất được phân cấp mạnh hơn để chủ động, trong đó có giao vốn để triển khai thực hiện.
Ông Nên chia sẻ, trong những ngày thành phố xảy ra ngập, thông tin được đưa lên tràn ngập. Các hình ảnh nước trào lên từ dưới cống khiến nhiều người thấy xót.
Bí thư Thành ủy TPHCM ghi nhận các giải pháp Thủ Đức nêu ra là có lý bởi hiện nhiều thành phố trên thế giới bị ngập do lượng mưa lớn. Trong đó, TPHCM là một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất do biến đổi khí hậu trên thế giới.
Tuy nhiên, ông cho rằng điều này không phải là nguyên nhân để đổ thừa, mà thành phố cần chủ động khắc phục đến mức tối đa có thể trong khả năng, điều kiện và quyết tâm cao nhất để hạn chế thấp nhất những thiệt hại.
Theo đó, trước mắt, thành phố sẽ tổ chức lắng nghe, tổ chức hội thảo, trao đổi, tìm ra nguyên nhân giải pháp, trong đó có giải pháp nạo vét những tuyến kênh, cống để khơi thông. Để từ đây nếu có ngập thì cũng không ngập lâu, giúp thoát nước nhanh.
Cùng với đó, rà soát hệ thống mà nước đổ dồn về trung tâm TPHCM để chia lửa, cho nước chảy những ngả khác. Ngoài ra, thành phố cũng tính đến việc phải có các hồ điều tiết. "Thành ủy TPHCM sẽ tính toán có ưu tiên đầu tư để giải quyết", ông Nên nói thêm.