Ông Cường cho biết, hai địa điểm được đề cập tới là đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân và đường Bạch Đằng nối từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Phạm Văn Đồng, quận Tân Bình. Việc nâng cấp đường Kinh Dương Vương cao hơn nhà dân dựa trên cơ sở tính mức triều cao nhất là 1,68m.
Từ đó, mép vỉa hè được nâng lên 1,7m. Bởi trên thực tế cốt cao độ trên trục Kinh Dương Vương rất thấp, chỉ từ 1m trở xuống nên khi nâng đường mới xảy ra hiện tượng trên.
“Sau khi nhà dân xây xong sẽ đề nghị kịp thời hạ cốt xuống. Đối với đường đang làm, sẽ có những bậc thang kết nối lên xuống, hoặc làm đường gom, mỗi đoạn 5-7 hộ sẽ có đường đi xuống”- ông Cường cho hay.
Sau khi nghe ông Cường báo cáo, Bí thư Thăng yêu cầu Sở này phải nhanh chóng khắc phục, công khai thông tin cho người dân, báo chí biết việc làm này.
Chống ngập nửa vời
Cùng ngày, ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TPHCM thị sát dự án chống ngập khiến “Nhà bỗng biến thành hầm” mà Tiền Phong có bài phản ánh ngày 2/6.
Tại buổi làm việc với UBND quận Tân Bình và các đơn vị liên quan sáng 8/6 liên quan đến công trình nâng cấp chống ngập đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân bằng cách xây tường vây nhà dân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, đây là cách chống ngập nửa vời.
Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc có chiều dài 3,5 km, rộng 48 m với tổng mức đầu tư hơn 730 tỷ đồng. Cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng lên từ 0,4 - 1,2 m, đơn vị thi công xây tường bao hai bên đường khiến nhiều nhà dân bị biến thành hầm.
Dự án này ảnh hưởng đến 466 căn nhà; một bệnh viện; 64 doanh nghiệp; 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp; 44 tuyến đường, hẻm kết nối với đường này và các khu dân cư dự án nhà ở tiếp giáp. Ông Thinh cho rằng, việc chủ đầu tư cho nâng cấp mặt đường lên 2m là chưa khảo sát kỹ người dân.
Các hộ dân sống trong hẻm cho biết, chỉ cần nâng lên 1m là hết ngập vì vậy, cần xem xét giảm độ cao mặt đường. Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố giải thích, bức tường xây trước cửa nhà dân là do đơn vị thi công xây để làm bó nền, ngăn không cho cát đá tràn vào nhà dân khi thi công và là mốc cao độ mới của công trình.
Sau khi khảo sát thực tế, ông Nguyễn Thành Phong nhận định, dự án đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tác động đến cả khu vực rộng 96ha. “Chống ngập nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ các giải pháp”, ông Phong nói, đồng thời yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm khi công bố thông tin quy hoạch không rõ ràng, lấy ý kiến người dân từ lâu nhưng không khảo sát lại cũng như việc lựa chọn thời điểm thi công không hợp lý.
“Người dân không biết mặt đường được nâng cao lên như thế nào, giờ xây tường quây nhà dân cao vậy sao họ buôn bán. Các đơn vị liên quan phải tính toán mức hỗ trợ và giải thích với người dân cụ thể”, ông Phong chỉ đạo.
Sở Xây dựng TPHCM xác định, thành phố hiện có khoảng 8.000 căn nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm tập trung tại 4 quận, trong đó quận 8 có trên 7.100 trường hợp nền nhà dân thấp hơn mặt đường 0,4 - 1m. Đường Phạm Thế Hiển, quận 8 có 4.200 căn nhà bị ảnh hưởng bởi nâng đường vào năm 2014.