Văn phòng Thủ tướng Bennett hôm nay, 6/7, thông báo Tel Aviv sẽ lập tức xuất kho hàng trăm nghìn liều vắc xin COVID-19 sắp hết hạn để chuyển cho Hàn Quốc.
Hàn Quốc - hiện đang cạn kiệt vắc xin - đã đồng ý sẽ trả lại Israel số vắc xin tương tự trước tháng Chín hoặc tháng Mười, ngay sau khi Seoul nhận được lô vắc xin mà họ đặt hàng từ nhà sản xuất.
Tân Thủ tướng Bennett gọi đây là thoả thuận “đôi bên cùng có lợi”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ sức khoẻ công dân Israel. Hàn Quốc sẽ nhận được vắc xin của chúng ta, và chúng ta sẽ nhận lại số vắc xin tương đương.”
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết lô vắc xin COVID-19 từ Israel sẽ đến nước này vào sáng sớm thứ Tư, và sẽ được sử dụng để tiêm chủng bắt đầu từ tuần tới.
Đối tượng được tiêm số vắc xin này là nhóm dễ nhiễm bệnh ở Seoul và khu vực lân cận.
"Vắc xin Pfizer đã được sử dụng ở Israel và không có vấn đề gì về chất lượng", Giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong cho biết, đồng thời tiết lộ Hàn Quốc cũng đang xem xét các hợp đồng trao đổi vắc xin với các nước khác.
Trước đó, Israel đã thoả thuận sẽ chuyển cho Palestine gần một triệu mũi vắc xin sắp hết hạn. Nhưng sau khi nhận lô hàng đầu tiên và phát hiện lô vắc xin này quá “cận date”, Palestine đã huỷ bỏ thoả thuận với Israel.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz cho biết các quan chức đang liên hệ với “một quốc gia khác” và có thể đạt được thỏa thuận “trong vài ngày tới”. Ông từ chối tiết lộ quốc gia đang đàm phán với Israel, nói rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến thoả thuận.
Ít nhất 30% dân số 51,3 triệu dân của Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Khoảng 10,5% dân số đã được tiêm đủ hai mũi. Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11, với hơn 70% dân số được tiêm phòng.
Tại Israel, khoảng 60% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.