Bí mật phục dựng long bào

TP - “Chiếc long bào triều Nguyễn nặng khoảng 6kg, thì riêng vàng đính lên cũng chừng 1kg. Nếu phục chế giống hệt áo vua ngày xưa thì mình đâu có đủ vàng mà làm”. Nghệ nhân thêu Vũ Văn Giỏi, người chuyên phục dựng trang phục cung đình tâm sự.

> Ngắm nữ minh tinh Hoa ngữ diện 'long bào'

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (phải) đang giới thiệu long bào Vua Đồng Khánh với khách tham quan. Ảnh: Xuân Phú.

Anh Giỏi cho biết, áo của vua đính rất nhiều vàng, các hạt kim sa trên áo đều bằng vàng thật, các hạt ngọc trai cũng là ngọc trai thật. Anh nhẩm tính, trên một chiếc long bào có khoảng 6.000 hạt kim sa (đính bằng vàng thật). Một chiếc long bào nặng 6kg, thì vàng chiếm 1kg. Anh Giỏi bật mí, kim tuyến trên long bào vốn là vàng thật, nhưng anh chỉ có đủ khả năng dùng vàng mạ.

Gần 20 năm phục dựng y phục cung đình, tính đến nay nghệ nhân thêu Vũ Văn Giỏi, thôn Đông Cứu, Thường Tín đã phục dựng hoàn chỉnh khoảng 14 chiếc áo bào các loại, gồm long bào vua Đồng Khánh, Khải Định, Tự Đức, hoàng Thái Tử, Từ cung, trưởng công chúa…vv. Nếu không có lòng đam mê, chắc anh đầu hàng sớm. Bởi lẽ, để có thể phục chế thành công chiếc áo bào đầu tiên, anh và nhóm thợ của mình đã phải làm trong suốt ba năm trời và đến chiếc áo thứ 21 mới thành công.

Áo bào của Nhật Bình công chúa.

Cho đến nay, trong nhà anh vẫn còn lưu giữ 20 chiếc áo phục dựng “nháp”. Hỏng vì nguyên liệu không đạt, lối thêu chưa đạt, chỉ thêu, màu vải chưa đúng chỉ số. Chiếc áo phục dựng thành công đầu tiên là chiếc áo Mãng bào hoàng tử (màu đỏ).

Anh Giỏi bắt tay vào công việc phục dựng long bào chỉ với vốn kinh nghiệm thêu gia truyền cộng với một ít tư liệu mà anh Việt kiều Trịnh Bách mang về đặt hàng. Khi bắt đầu làm, anh phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu, đặc biệt là tư liệu sống từ các cụ nghệ nhân trong làng, tỉ mẩn từ kỹ năng se chỉ, quắn sợi đến lối thêu cổ.

Rất may, trong làng lúc đó còn có những cụ vẫn giữ được những chiếc áo dài từ cách đây 70- 80 năm. Anh đã học được lối thêu cổ chính từ việc khám xét những chiếc áo đó.

Anh Giỏi kể, trong quá trình phục dựng, mỗi ngày lại tìm được một tư liệu, mỗi lần hỏi được một ít. Khi đã thu thập được nhiều tư liệu, anh nhận thấy sản phẩm của mình làm… rất dởm, thế là làm lại. Có đợt anh dùng kim sa mạ vàng 18k để thêu áo vua, sau phải đính lại hết vì màu vải áo bào của vua phải tương đương với mạ vàng 24K.

Áo bào hoàng tử, quan lại mới dùng vàng 18K. Nhiều thợ của anh không chịu được áp lực đã bỏ cuộc. Họ phàn nàn với bố mẹ: “Con không làm được với chú ấy đâu, vì làm tỉ mỉ căng thẳng hại mắt lắm”.

Áo bào của Nam Phương Hoàng hậu.

Trời và đất trên một chiếc long bào

Càng làm, nghệ nhân Giỏi càng phát hiện ra nhiều điều lý thú về chiếc long bào của vua. Những con rồng trên long bào được thêu rất cầu kỳ với dụng ý khác nhau.

Chẳng hạn, long bào của vua phải có chín con rồng (cửu long), trong đó con rồng ở chính giữa ngực áo là to nhất và hướng ra phía trước để thể hiện quyền uy. Cửu long gồm ba con phía trước, ba con phía sau, hai con ở vạt áo đằng trước và sau và một con ở vạt trong.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi được mời thiết kế toàn bộ phục trang cổ cho bộ phim sẽ chiếu dịp tết Thiên mệnh anh hùng. Khoảng 70 bộ trang phục, trong đó có tới 40 bộ áo quan, áo hoàng hậu, áo vua đã được anh thiết kế. Mới đây, anh được Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch Ninh Bình đặt hàng thêu chiếc quạt dài 9m, rộng 4,5m.

Những chi tiết phụ họa ở cổ áo cũng có rồng nhưng là rồng nhỏ. Áo hoàng tử chỉ là áo mãng bào với biểu tượng mãng xà đang hóa rồng, có 9 rồng 4 móng. Các quan, hàng cấp thấp là ngũ long. Áo của các quí bà chỉ có phượng, hoa lá, bướm mà không có rồng.

Trên long bào bao giờ cũng phải chứa đựng đầy đủ các yếu tố trời và đất. Trên trời thì có dơi (thuộc hàng ngũ phúc), có mây, dưới nước có san hô, rùa, trên mặt đất thì có núi (Tam sơn)… Xung quanh là những lời chúc tụng và các họa tiết biểu thị quyền uy.

Những chiếc long bào mà nghệ nhân Giỏi phục dựng đòi hỏi sự kỳ công cao độ, trong đó có chiếc mãng lan (tay trẽn) của vua Khải Định, một vị vua yêu nghệ thuật. Nhiều chiếc áo của ông do chính ông tự tay thiết kế. Ngoài ra, anh cũng phục dựng áo của các quí phi, các bộ áo dài hàng quí tộc.

Để hoàn thiện chiếc long bào sa lam vàng, chiếc áo đại triều của vua Đồng Khánh, anh và 8 người thợ của mình phải thêu ròng rã 15 tháng. Chiếc áo sa kép thêu nhanh nhất cũng mất 5 tháng trời với ba người làm.

Chịu khổ, chịu thiệt vì long bào

Đến bây giờ, anh Giỏi vẫn coi như đây là cái duyên nợ mà anh phải mang. Trót theo công việc phục dựng y phục cung đình, có lúc anh phải dừng việc thêu hàng chợ đang hái ra tiền, để toàn tâm toàn ý cho nó. Có lúc, anh đã theo lời rủ rê của người bạn nối khố đang làm ăn rất phát đạt tại Hội An, vào đó thuê cửa hàng kinh doanh. Loanh quanh thế nào, anh lại bập vào việc phục dựng Khố Đông Sơn, thế là lại bỏ cả.

Anh kết luận: “Số mình không ra khỏi được lũy tre làng”. Dù không được đơn vị nào tài trợ, anh vẫn cố gắng mỗi năm hoàn thành một tác phẩm phục dựng. Ngoài long bào triều Nguyễn, anh đang phục dựng các áo triều Lê đầu tiên.

Theo Báo giấy