Bi hài trốn Tết vì câu hỏi khó đỡ: Lương bao nhiêu, bao giờ lấy chồng?

Cứ đến Tết, Trần Văn C. (SN 1990) lại thấy ngao ngán vì phải trả lời những màn chất vấn về lương thưởng, kế hoạch lập gia đình, mua ô tô...

"5 cái Tết đón giao thừa bên nhà chồng là 5 cái Tết vợ chồng tôi mong chờ tiếng cười trẻ con. Vậy nên, cứ Tết đến, tôi lại rất sợ những câu hỏi liên quan đến chuyện con cái, nhất là những câu hỏi quan tâm kiểu sỗ sàng "năm nay vẫn chưa có gì à?", "sao không đẻ đi?", chị Vũ Thu U. (Long Biên, Hà Nội) kể nỗi ám ảnh mỗi lần về quê chồng ở Hưng Yên ăn Tết.

Nhiều người Việt có thói quen đặt những câu hỏi về thu nhập, tình trạng hôn nhân, kế hoạch sinh nở… khi gặp người thân trong dịp Tết.

Những câu hỏi trên được đưa ra một cách kém tinh tế khiến không ít người được hỏi cảm thấy khó xử. Tết là dịp đoàn tụ, gặp gỡ gia đình, họ hàng nhưng vô tình lại trở thành nỗi ám ảnh của một số người, nhất là những người trẻ.

Tết là dịp nhiều người thân, bạn bè gặp gỡ nhau. (Ảnh minh họa: Lan Anh).

Chị Thu U. thừa nhận, bản thân chị luôn cảm thấy khó chịu khi bị tra hỏi về chuyện con cái dịp Tết. Lấy nhau đã hơn 5 năm nhưng hai vợ chồng chị vẫn chưa có con. Cả hai mong muốn gia đình sớm có thêm thành viên mới hơn bất kỳ ai.

Nhiều người biết rõ vợ chồng chị hiếm muộn, đang cố gắng chạy chữa nhưng vẫn liên tiếp hỏi. "Có thể là đó là những lời hỏi thăm nhưng lại động đến nỗi khổ tâm của tôi. Chính vì vậy, Tết về quê, tôi chẳng muốn đi đâu", chị U. thở dài.

Bà mẹ ba con Trần Thị L. cũng e ngại việc đi chúc Tết khi năm nào cũng nghe họ hàng hỏi "Bố vẫn đẹp trai nhất nhà à?" hay "Cố gắng kiếm lấy thằng nối dõi tông đường chứ".

"Nghe mọi người hỏi tôi chỉ biết cười gượng. Mình người lớn thì nghe rồi bỏ ngoài tai nhưng khổ cái là ba đứa con gái của tôi cứ bị đem ra so bì. Cháu lớn 14 tuổi đã hiểu chuyện nên mấy năm nay rủ cháu đi chúc Tết là cháu không muốn đi. Chồng tôi đi đến đâu thì cũng bị trêu rồi ép uống rượu để anh em dạy cho "cách đẻ con trai". Vậy nên nhiều khi tôi chỉ muốn mấy ngày Tết trôi qua thật nhanh", chị L. kể.

Vũ Ph. quê ở Vĩnh Phúc nhưng quanh năm đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Cô gái sinh năm 1993 chia sẻ, bản thân cũng cảm thấy vô cùng ái ngại khi Tết đến đi đâu chơi ai cũng hỏi "lương bao nhiêu", "sao xinh xắn thế mà chưa lấy chồng?".

Ph. kể: "Bạn bè ở quê đều đã lấy chồng, sinh một hai đứa con. Vậy nên, việc tôi chưa lập gia đình như là một hiện tượng cá biệt trong mắt nhiều người lớn tuổi. Một hai người hỏi thì không sao, nhưng nhiều người hỏi thì lại cảm thấy phiền".

Nhiều bạn trẻ như Ph. có tâm lý muốn "trốn Tết" vì ngại đối diện với những màn "chất vấn" của người lớn. (Ảnh: H. A).

Rời quê Hà Tĩnh ra Hà Nội lập nghiệp đã gần chục năm. Cứ đến Tết, Trần Văn C. (SN 1990) lại phải trả lời những màn chất vấn về lương thưởng, kế hoạch lập gia đình, mua ô tô.

Cưới xin, sinh con hay thu nhập đều là chuyện cá nhân, tuy nhiên vào dịp Tết nó lại trở thành chủ đề bình luận của nhiều người. Có người hỏi với ý quan tâm thực lòng, song có người hỏi chỉ để thỏa mãn sự tò mò khiến người được hỏi rơi vào tình huống dở khóc, dở cười, vô cùng ái ngại.

Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa - TS Nguyễn Ánh Hồng, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, những câu hỏi này về bản chất đều mang tính tích cực bởi người hỏi chỉ muốn thể hiện sự quan tâm. Chỉ có điều nguyên nhân nó khiến người nghe cảm thấy khó chịu là do cách thể hiện chưa thật sự tế nhị.

"Nhiều người vô tư hỏi mà không nghĩ đến cảm xúc, hoàn cảnh của người nghe. Đó có thể là những câu hỏi kiểu như "Ô sao bây giờ chưa lấy chồng?", "Ô sao lấy chồng rồi mà chưa có con?", "Làm ở chỗ đó lâu rồi nhưng sao lương vẫn thấp thế?"… Những câu hỏi này thể hiện sự quan tâm một cách thái quá khiến người nghe cảm thấy người hỏi đang chạm đến vấn đề tế nhị, thuộc về riêng tư mà họ không muốn trả lời".

Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, những người hỏi nên biết kiểm soát cảm xúc của mình. Không nên đưa ra những câu hỏi quá sâu, quá khó khiến người nghe cảm thấy khó xử.

Về phía người nghe, tốt nhất nên có thái độ điềm tĩnh, chế ngự cảm xúc bằng cách mỉm cười và nói tránh đi.

"Chẳng hạn ai đó hỏi bạn sao chưa lấy chồng thì có thể trả lời là "em đang chuẩn bị đây", sao chưa sinh con thì đáp lại rằng "trời chưa cho thì biết thế nào?", sao chưa mua ô tô thì tếu táo nói rằng mình "chưa chọn được xe đẹp"…

Chỉ nên trả lời như vậy rồi nói ngay sang chuyện khác, phá tan mạch của người kia bằng những câu hỏi mới. Tôi biết cũng từng có nhiều người nổi cáu khi bị hỏi những câu hỏi quá riêng tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong không khí gặp mặt Tết đến xuân về, chúng ta nên ứng xử một cách nhã nhặn, tinh tế", TS Ánh Hồng nói.

Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/bi-hai-tron-tet-vi-cau-hoi-kho-do-luong-bao-nhieu-bao-gio-lay-chong-20230118104026537.htm

Theo Hồng Anh/Dân trí