Bị đưa ra 'mổ xẻ', Trung Quốc lên án G7 ‘độc quyền bè phái’

TPO - Trung Quốc vừa lên tiếng phản đối “sự bè phái độc quyền” sau khi Mỹ nói rằng “thách thức Trung Quốc” sẽ được đưa lên bàn làm việc của nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7). 
Trung Quốc sẽ trở thành một trong những chủ đề chính được các lãnh đạo G7 bàn tới trong hội nghị sắp tới

Trong tuyên bố đưa ra hôm 14/2, Nhà Trắng nói rằng “tầm quan trọng của việc cập nhật những quy tắc toàn cầu để giải quyết những thách thức kinh tế, như những thách thức mà Trung Quốc gây ra” sẽ là một trong những vấn đề chính của hội nghị thượng đỉnh, bên cạnh các vấn đề về cách phản ứng đối với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế thế giới. 

Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự G7. Lãnh đạo nhóm này họp lần gần đây nhất vào tháng 4 năm ngoái. 

Khi được hỏi về chương trình nghị sự của hội nghị, Bắc Kinh nói rằng họ phản đối “chính trị bè phái và đối đầu ý thức hệ. 

“Chúng tôi phản đối chính trị hội nhóm dựa trên chia rẽ ý thức hệ, tạo nên sự độc quyền bè phái và áp đặt ý chí của nhóm thiểu số lên các quốc gia trong xã hội quốc tế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. 

“Những hành vi như thế này sẽ không được cộng đồng quốc tế ưa chuộng, sẽ không có lợi cho bản thân những nước đó, và sẽ chỉ đẩy thế giới đến sự chia rẽ, thậm chí đối đầu”, tuyên bố nói. 

Không chỉ đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ, Trung Quốc còn mâu thuẫn với nhiều thành viên khác của G7, nhất là Anh và Canada hiện nay. 

Hôm 16/2, Trung Quốc nói Canada là “đạo đức giả và đáng khinh” khi đi đầu trong nhóm gồm có Mỹ và 57 quốc gia khác để lên án việc bắt giữ công dân nước ngoài một cách tuỳ tiện.

Động thái này được coi là nỗ lực để gây sức ép ngoại giao lên Trung Quốc, khi hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor vẫn chưa được thả sau khi bị bắt vào tháng 12/2018. Họ bị bắt không lâu sau khi giới chức Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawe Mạnh Vãn Châu theo đề nghị của Mỹ.

Bắc Kinh và London cũng đang căng thẳng nghiêm trọng vì hàng loạt vấn đề, bao gồm Hong Kong và Huawei. Quan hệ này trở nên gay gắt hơn sau khi giới quản lý báo đài Anh rút giấy phép của mạng tin tức quốc tế CGTN của Trung Quốc, còn Bắc Kinh cấm BBC để đáp trả. 

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng ông chia sẻ quan ngại về mức độ tiếp cận mà nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới được phép khi đến Trung Quốc để làm rõ nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Theo Theo CNA