Bêu tên hàng loạt dự án 'bánh vẽ' xa xỉ gây bức xúc dư luận

TPO - Tỉnh Bình Thuận có 43 dự án vi phạm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn từ 3-15 năm. Việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí, đặc biệt trong các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận

Ngày 26/10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết đã công bố công khai danh sách 43 dự án có vi phạm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh với mức độ chậm từ 3-15 năm.

Cụ thể, TP. Phan Thiết có 13 dự án quy mô hơn 144 ha, gồm Khu du lịch sinh thái Oscar; Khách sạn nghỉ dưỡng Bình An - Mũi Né; Khách sạn du lịch Hữu Lợi Sentosa Villa; Dự án The Balé; Khu biệt thự Revera Park; Khu du lịch Minh Sơn; Khu du lịch Thành Hưng; Khu du lịch Mũi Né Infity; Khu du lịch Ngọc Khánh; Dự án Resort Hotel Lamuine 2; Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết; Nhà hàng và dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang.

Thị xã La Gi có 8 dự án quy mô hơn 221 ha, gồm Khu du lịch sinh thái Whale Hill; Khu du lịch E DEN; Khu du lịch Thu Hằng; Khu du lịch Làng Tre La Gi; Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân; Khu du lịch Song Thành; Khu du lịch Mũi Đá; Khu du lịch Việt Chăm.

Huyện Hàm Thuận Nam có 10 dự án quy mô 112 ha, gồm Khu du lịch Huy Hoàng; Khu du lịch Cẩm Thái; Khu du lịch Honey Beach; Khu du lịch Đại Tây Dương; Khu nghỉ dưỡng Amina Phan Thiết; Khu du lịch sinh thái Kê Gà; Khu du lịch Thuận Quý I; Khu du lịch Liên Hương - Sài Gòn; Khu du lịch Ngọn Hải Đăng; Khu du lịch Hòn Lan (Golden Orchid).

Nhiều dự án ở Bình Thuận chậm tiến độ lên tới 15 năm nhưng vẫn được gia hạn, không bị thu hồi.

Huyện Bắc Bình có 8 dự án quy mô gần 129 ha, gồm Khu du lịch Hawaii; Dự án du lịch Hòn Nghề 1; Khu du lịch sinh thái Francisco Bay; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Cát; Khu du lịch Tazon Resort; Khu du lịch sinh thái Delverton; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bàu Trắng - Hòn Hồng; Khu du lịch sinh thái Hồng Quang - Phan Thiết.

Huyện Tuy Phong có 5 dự án hơn 38 ha, gồm Khu nghỉ dưỡng Cà Ná; Khu tổ hợp khách sạn cao cấp Utisys; Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Lòng Sông; Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Châu Lê; Khu du lịch Hải Yến.

Trước đó, Tổng cục Quản lý đất đai đã có thông báo kết luận việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, các dự án có sử dụng đất được cho gia hạn hoặc bị chấm dứt hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Đoàn kiểm tra của Tổng cục quản lý đất đai đã kiểm tra 47 dự án tại TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong. Trong đó có đến 21/47 dự án, với diện tích hơn 360 ha vi phạm không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án vi phạm trên 10 năm.

Nhiều dự án có sử dụng đất đã hết tiến độ đầu tư nhiều năm (có dự án trên 15 năm), vi phạm không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất nhưng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận vẫn cho điều chỉnh, gia hạn tiến độ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới.

Việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí, đặc biệt trong các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Cụ thể, có 150 dự án với diện tích hơn 1.300 ha không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, thời gian thực hiện dự án kéo dài (xin được đất xong bỏ trống, không đầu tư xây dựng công trình trên đất, nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng trên 10 năm) không đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận.

Liên quan tới việc hàng chục dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động công bố công khai, cập nhật thông tin về vi phạm pháp luật đất đai đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh theo quy định; khẩn trương tham mưu kiểm tra, xử lý đối với 67 dự án chậm tiến độ sử dụng đất mà đoàn kiểm tra chưa trực tiếp kiểm tra trong đợt này.

Tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế, vi phạm liên quan đến công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả loạt dự án chậm tiến độ gửi về UBND tỉnh trong tháng 5/2023.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ động tham mưu tỉnh rà soát, thống kê, theo dõi, cập nhật thông tin đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn. Sở KH&ĐT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế, vi phạm liên quan đến công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của sở.

Sở Xây dựng Bình Thuận có nhiệm vụ chủ động, tích cực đôn đốc việc lập, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 trên địa bàn tỉnh để các dự án có căn cứ cấp phép xây dựng, triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng của các dự án.

Cùng với đó nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế, vi phạm liên quan đến công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng.

Kon Tum: 48 dự án "dính" sai phạm

Ngày 26/10, Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, đã có kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định tại 48 dự án đầu tư trên địa bàn. Sở này kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý, chấm dứt hoạt động 9 dự án.

Theo sở này, 48 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 3.700 tỷ đồng với diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 345 ha. Trong 48 dự án được kiểm tra, có 17 dự án đầu tư về nông nghiệp; 2 dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng; 11 dự án đầu tư khai thác khoáng sản; 8 dự án đầu tư sản xuất; 5 dự án đầu tư thủy điện; 5 dự án đầu tư thương mại, dịch vụ.

Các dự án thuỷ điện trên dòng sông Đăk Psi dính nhiều vi phạm.

Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện có 47/48 dự án đầu tư chậm tiến theo nội dung quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có những dự án phải điều chỉnh tiến độ thực hiện nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đầu tư hoàn thành. Điển hình như Dự án Nhà máy chế biến mủ tờ - Chi nhánh 716 (Tổng Công ty 15); Dự án nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai. Trách nhiệm để chậm tiến độ thuộc về nhà đầu tư dự án, Sở TN&MT.

Các nhà đầu tư cũng chưa chủ động báo cáo hoạt động đầu tư một cách đầy đủ, kịp thời theo quy định về thực hiện dự án đầu tư dù được đôn đốc nhiều lần.

Có 11/48 dự án chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chưa được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Đáng chú ý, có nhà đầu tư thực hiện đầu tư trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, gắn với cho thuê rừng là hành vi lấn chiếm đất theo quy định, cụ thể là Dự án Phát triển ươm và trồng các loại dược liệu tại xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum.

Có 8/48 dự án đầu tư chậm đưa đất vào khai thác sử dụng hơn 24 tháng kể từ ngày được giao đất ngoài thực địa. Đến thời điểm kiểm tra, hầu hết các nhà đầu tư chưa thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá về môi trường.

Có 19/48 nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định. Hầu hết các dự án chưa triển khai hoặc triển khai thực hiện được một phần các hạng mục xây dựng của dự án theo quyết định chủ trương đầu tư (trừ một số dự án thủy điện đã cơ bản hoàn thành xây dựng các hạng mục chính), trong đó chủ yếu là các hạng mục xây dựng phục vụ sản xuất kinh doanh, vi phạm nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Theo Sở KH&ĐT Kon Tum, các dự án nông nghiệp, dược liệu triển khai chưa đồng bộ các loại cây trồng theo quyết định chủ trương đầu tư. Một số loại cây trồng khi triển khai trên thực tế cho thấy không phù hợp với khí hậu, địa hình và thổ nhưỡng khu vực dự án. Nhiều dự án đã trồng các loại cây nhưng chăm bón không đúng quy trình, xảy ra tình trạng cây chết hàng loạt, hoặc sinh trưởng chậm, kém phát triển hoặc bị sâu bệnh, hiệu quả thấp.

Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum quyết định chấm dứt hoạt động 9 dự án vì nhà đầu tư không thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, tự chấm dứt hoạt động hoặc dự án chậm tiến độ, chưa triển khai trên thực tế.

Sở này đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các vi phạm đối với các dự án, bảo đảm kịp thời, đúng quy định hiện hành; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên thực tế.

Sở KH&ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ thực hiện cam kết triển khai và hoàn thành việc đầu tư dự án trên thực tế theo quyết định chủ trương đầu tư và các văn bản có liên quan. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung cam kết, dự án đầu tư sẽ bị chấm dứt và không được bồi thường các chi phí đã thực hiện dự án.