'Hố đen' dự án chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng nghìn dự án chậm tiến độ đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách đầu tư công, tiền vay nợ không giải ngân được, nguy cơ lãng phí rất lớn. Dự án càng chậm càng bị đội vốn đầu tư, công trình không đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả đầu tư, tiền vay nợ phải trả lãi suất, chậm ngày nào tăng tiền lãi ngày đấy.

Thực sự, những dự án chậm tiến độ như những “hố đen” hút mất nguồn lực đầu tư của đất nước. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội từng cho rằng, sự lãng phí còn đáng sợ hơn tham nhũng, gây thiệt hại cho nền kinh tế hơn cả tham nhũng.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đưa ra những số liệu đáng lo ngại. Nhiều dự án lớn ở Hà Nội bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chưa rõ thời hạn hoàn thành như Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Trong văn bản mới nhất thành phố Hà Nội xin lùi thời hạn hoàn thành toàn tuyến thêm 5 năm, đến 2027. Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 19.550 tỷ đồng lên 35.670 tỷ đồng.

Tại TP HCM, một số dự án quan trọng quốc gia cũng bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư nhiều lần, thực hiện chưa đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó có dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, được phê duyệt năm 2008, qua 14 năm tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành (dự kiến năm 2023), đội vốn từ hơn 17.380 tỷ đồng lên 43.750 tỷ đồng. “Những dự án trên là điển hình của việc lãng phí, xảy ra trong thời gian dài, nhưng chậm được cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý. Đối với dự án ODA, việc chậm tiến độ còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia", báo cáo giám sát nêu.

Thực trạng này còn tạo gánh nặng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, phá vỡ kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội không chỉ một địa phương mà còn cả khu vực, thậm chí cả nước.

Nguyên nhân được chỉ ra là chất lượng xây dựng, giao kế hoạch không đáp ứng yêu cầu đề ra; công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập; việc tổ chức thực hiện chưa thật sự quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm…

Trước tình trạng ì ạch trong giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa yêu cầu cấp dưới cam kết bằng văn bản về tiến độ giải ngân. Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường hôm qua cũng yêu cầu báo cáo tiến độ trước 16 giờ hằng ngày về giải ngân.

Rõ ràng, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và người đứng đầu các địa phương rất sốt ruột và lo lắng về thực trạng giải ngân đầu tư công và sự chậm trễ của nhiều dự án lớn. Sớm thay thế những chủ đầu tư, thay thế những cán bộ yếu kém bởi “không thực hiện được thì phải để người khác làm" là thông điệp cần được thực thi nhất quán lúc này để bịt “hố đen” dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân đầu tư công.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.