Món Tây:
Mùa đông đầu tiên sau ngày cưới, mới về làm dâu được hai chục hôm thì Tết, vợ trổ tài khoai tây chiên bơ. Không hiểu sách dạy nấu ăn ghi kiểu gì, mà vợ hoa mắt nhìn nhầm. Một mẩu bơ trên lý thuyết, qua tay vợ, đã biến thành một bát đầy, lượng bơ khổng lồ này tương đương lượng bơ chồng sẽ ăn trong suốt một đời người!
Kết quả, những thanh khoai tây chiên hút no nê bơ nóng, phồng ra, nguội đi, thành những “chiếc túi” chứa bơ xinh xắn mà nếu ai lỡ cắn ngập răng vào, sẽ thấy ngay chân lý, đầu bếp cũng chính là một sát thủ!
Từ đó, tên gọi món ăn “khoai tây chiên bơ” trở thành ám hiệu để chồng báo động cả nhà mỗi khi vợ trổ tài món mới. Tên “khoai tây chiên bơ” lần lượt được dùng để gọi cạnh khóe những mỹ vị “made by bà vợ đảm!” của những mùa đông sau này: Sushi cá hồi không mù tạt – Tại trời lạnh quá, mù tạt cứng lại, đập mãi không ra!; Lẩu đầu cá hồi – vợ nấu làm sao mà nó tanh ngòm, chồng và bố mẹ chồng vội vã kiếm cớ tháo chạy khỏi nhà, cho đến lúc ngay cả xương cá cũng được gói ghém vứt hết khỏi thùng rác, bố mẹ chồng và chồng mới dám bén mảng về nhà!; Súp bí ngô kem tươi kiểu Ý với nguyên một quả bí ngô cho vào nồi, nghiền lấy nghiền để!; Bánh mì nướng cháy tới mức, vứt vào thùng rác vẫn còn giữ nguyên hình dáng, không vỡ mảnh nào!...
Sau một hai năm thử sức cùng món Tây, vợ bắt đầu tự trách mình vớ phải một ông chồng không biết thưởng thức khẩu vị món Tây và Nhật. Nên vợ bèn mua một cuốn dạy nấu ăn đồ Việt, quyết tâm làm chủ nhân của lũ nồi xoong một cách kiêu hãnh.
Món Việt:
Vợ là người cần cù ham học, không sợ khổ. Món Việt đầu tiên là món “Ốc hấp lá gừng”, cần có ốc nhồi và lá gừng tươi. Vợ đã phải mất đúng 10 tháng để chuẩn bị xong nguyên liệu của món này!
Thật may, bố mẹ chồng và chồng luôn yêu vợ, nên trong lúc chờ được ăn những món ngon ấy, ông bà và chồng vẫn vào bếp hàng ngày, đi chợ hàng ngày để đảm bảo bữa cơm xoàng, mọi người ăn lấy sức chờ một ngày món cao lương mỹ vị của vợ xuất hiện.
Cần tới mười tháng là bởi, vợ còn phải trồng gừng! Nhà thành phố lấy đâu ra lá gừng? Nên vợ bèn lấy củ gừng trong bếp, mang ra ban công, trồng vào giữa bồn hoa, ngày ngày tưới nước, mong đông qua hè lại, để gừng mọc lên vài lá. Vài tháng sau, qua xuân tới hè, gừng mới lên 4-5 lá, vợ hớn hở vặt vào nhà làm món ốc hấp lá gừng.
Cả nhà im lặng ăn, không thấy ai khen nhưng cũng không thấy ai phải đi viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm, vậy là OK rồi! Xong, thu dọn bát đũa, chồng hỏi:
Hôm nay em nấu món gì ấy nhỉ?
Vợ bảo:
Em đã nhắc đi nhắc lại từ chiều đến giờ, là em làm món ốc hấp lá gừng rồi mà!
Chồng rửa bát cùng vợ xong, cứ đi ra đi vào, lẩm bẩm, mà sao anh cứ thấy nó thế nào ấy nhỉ! Vợ bảo, em đảm bảo em làm đúng y như sách dạy, và như Internet cũng dạy! Em đã phải trồng gừng suốt gần một năm nay mới có lá mà làm!
Chồng bắt đầu hiểu ra:
Cái cây ở ngoài ban công kia chứ gì? Ôi giời ơi vợ tôi cho tôi ăn ốc hấp lá nghệ!
Chồng xông ra ban công, nhổ cả “khóm gừng” của vợ vác xuống bếp để chứng minh là cây nghệ! Vợ choáng váng, không nói được câu nào. Vợ mếu máo, thì cả đời em đã bao giờ nhìn thấy cây gừng với cây nghệ đâu, em ở thành phố làm sao biết lá gừng hay lá nghệ hình dáng ra sao? Em cứ tưởng trồng bằng củ gừng là chắc ăn rồi, ai ngờ em trồng nhầm… củ nghệ? Hu hu…
Thật may, chồng là người đàn ông độ lượng và rất yêu vợ, chồng hứa sẽ giữ kín sì căng đan thảm hại này của đầu bếp vợ, không hé ra cho bố mẹ chồng biết!
Thảm họa mắm tép:
Nhưng có những thảm họa bếp núc của nàng dâu thành thị không cách gì giấu được bố mẹ chồng.
Không nấu ăn nữa, vợ lén lút ủ mưu. Nhân dịp mẹ chồng nhờ đi chợ mua hành củ về cho bà muối chuẩn bị ăn Tết, vợ cũng làm riêng một hũ mắm tép đồng. Đây là thứ tép đặc sản đỏ au bé xíu xiu chỉ mùa đông rét cắt da mới thấy bán. Mua về, rửa thật sạch, trộn muối và thính, rượu trắng theo tỉ lệ mà… sách dạy nấu ăn chỉ dẫn! Thật đơn giản dễ làm!
Xong, vợ khẩn trương khoe với cả nhà, sau đó, cho mắm tép vào những cái chai nhựa cocacola cỡ lớn, vặn nắp kín, vợ đặt ngăn nắp trong xó bếp, không quên mang một chai gửi về nhà ngoại cho bà chị dâu thưởng thức. Trước khi đi công tác nước ngoài một tuần, vợ dặn mẹ chồng, mắm tép con làm phải năm sáu ngày mới ăn được, mấy hôm nữa mẹ cất vào tủ góc bếp cho con nhé!
Đi công tác được vài ngày, giữa tuần, vợ gọi điện về nhà, thấy bảo bố chồng đang ốm, vì ba giờ sáng bố chồng đi tắm gội, được nửa chừng thì bình tắm nước nóng bỗng hết nước, thế là cảm lạnh, ốm lăn. Vợ gào lên trong điện thoại, tại sao ba giờ sáng mà bố lại đi tắm hả bố?
Thì ra đêm đông người già không ngủ được, bố chồng nghe tiếng động trong bếp, nghĩ chuột bọ mèo chó làm gì trong bếp, ông xuống nhà thám thính. Nhìn ngó quanh xó xỉnh, không thấy gì, ông nghĩ sao lại đi ra chỗ mắm tép mà con dâu mới làm, cầm thử một chai lên ngửi ngửi!
Mắm tép đang lên men, bí hơi, bật nắp phụt lên mạnh như sâm-panh thượng hạng, phủ kín đầu tóc quần áo của ông, thế là ông cụ ba giờ sáng phải đi tắm gội, rồi ốm!
Chưa hết, đêm sau nữa, đến lượt mẹ chồng đi tắm lúc ba giờ sáng. Bà cũng lại mất ngủ, lại nghe tiếng động trong bếp, nghĩ đến tai nạn của ông hôm qua, bà cảnh giác, rồi nghĩ ngay đến việc phải dọn lũ chai này vào gầm bếp gas, để nếu nó phụt lên sẽ có gầm bếp che chắn cho đỡ nguy hiểm. Thế là bà lọ mọ dậy, định dọn chỗ chai gọn vào. Nghĩ thế nào, bà lắc thử một chai!
Một tiếng bùm thật to, mắm tép của con dâu tung tóe lên tận trần nhà, rơi lả tả xuống đầu mẹ chồng. Thế là mẹ chồng phải đi tắm gội triệt để vào lúc ba giờ sáng.
Con dâu kéo va ly từ sân bay Nội Bài về, thấy nhà cửa ngổn ngang, giàn giáo khắp nhà, thợ chạy tấp nập. Chồng mỉm cười hồ hởi bảo, sau cú mắm tép phọt lên tận trần nhà, tóe khắp tường và đồ đạc, nhà ta chỉ còn cách duy nhất là quét vôi lại bếp.
Sực nhớ đến chai mắm gửi sang nhà ngoại, vợ vội vã gọi điện sang cho bà chị dâu:
Chị ơi, em vừa đi công tác về, cái chai mắm tép tuần trước em gửi biếu nhà mình ấy mà…
Bà chị dâu thầm thì ngắt lời:
Em, em nói bé thôi nhé, không người ta biết. Vì cái chai mắm ấy mà, hôm nay nhà chị đang phải quét vôi lại bếp!
Hu hu!
Tết ấm áp
Chiều mùa đông, cuối năm heo hắt, vợ chồng mời ông ngoại lên nhà ăn cơm. Hầu như vợ không động tay vào bếp nữa. Chỉ chồng dao thớt băm chặt điệu nghệ, thỉnh thoảng chồng sai đi mua hành tỏi, chanh ớt, sắp bát đũa, việc đó con gái lớn làm. Vợ không phải làm gì nữa. Vèo cái đã mười năm trôi qua, kể từ ngày món “khoai tây chiên bơ” lên đĩa.
Ông ngoại mang tặng nồi lẩu điện Hàn Quốc, có thể nướng không khói. Vợ ngồi không ngứa ngáy, bèn lấy lũ tôm (định hấp) của chồng ra, đổ tương ớt lên trên trộn đều, hòng làm món tôm sú nướng ớt rất tuyệt vời mà vợ đã hàng chục lần được ăn ở… các nhà hàng hải sản! Lúc mọi người ngồi vào mâm, vợ mới mang nồi ra cắm điện, đổ tôm lên nướng. Khói quện ớt cay xè bốc lên ngào ngạt trong gian bếp ấp cúng cuối năm.
Tôm chưa kịp chín, vợ chồng đã thi nhau ho, các con đứa lớn dắt đứa bé bỏ chạy sang nhà hàng xóm tị nạn, ông ngoại vừa ho xé họng vừa trầm ngâm. Sau này ông kể, ông cứ tưởng bệnh lao phổi ngày xưa quay trở lại. Cho đến lúc con mèo ngồi canh bên mâm cũng ho sặc sụa thì…
Ông chồng ngồi yên, vừa ho vừa nén cười, bảo vợ:
Khổ thân con mèo nhà mình!
~ ~ ~ ~ ~
Năm nay, Tết đỡ lạnh hơn mọi năm, bố mẹ chồng đã mất, sau nhiều lần nấu nướng thất bại, con dâu cũng đã dắt túi được một vài chục món đặc sản, món nhậu, món ăn tủ làm lũ con nhỏ mê mẩn. Nhưng không biết làm cách nào để trốn thoát được biệt hiệu “khoai tây chiên bơ” bất hủ lừng danh.
Cuối năm bày lên mâm cơm tất niên, chỉ là những món giản dị, giò tự xào, bánh chưng tự gói, xôi tự nấu, con dâu thắp hương lên gian thờ, thành kính.
Nói cho cùng, nấu ăn chính là một cách mà vợ yêu gia đình. Cũng như rửa bát chính là cách mà chồng yêu vợ. Và lũ con, ăn hết những món mẹ nấu và hồn nhiên khen ngon cũng là một cách yêu mẹ. Cái bếp lửa ấm áp trong nhà, đâu phải chỉ vì được làm những món ngon nhất nên mới tuyệt vời ấm áp?