'Bếp Huân Sài Gòn' của chàng trai hip hop

TP - Hai tháng gần đây, Bếp Huân Sài Gòn được nhiều người trong cộng đồng biết đến. Là người lạc quan, Chu Văn Huân không chia sẻ gì về những khó khăn của một cá nhân làm từ thiện. Trang cá nhân của Huân thu hút bạn bè không chỉ bởi việc hỗ trợ cho người yếu thế, mà còn vì tình yêu đặc biệt anh dành cho hip hop.
Chu Văn Huân (bìa phải) cùng nhóm chuyển quà đến người dân ở điểm nóng Thủ Đức

Trò chuyện với Huân trước ngày TP Hồ Chí Minh bước vào đợt giãn cách triệt để “ai ở đâu ở yên đó”, chàng trai quê Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết anh lo đến mất ngủ “Chạy đâu ra lượng lớn thực phẩm để nấu đồ khô (thịt rim mặn, ruốc rang…). Làm sao để trước 23/8 bà con có thứ bỏ lọ ăn dần vì trong 1-2 tuần tới không có “cơm 0 đồng” của bếp Huân”.

Nhóm vô danh tìm giúp người yếm thế

Trên trang cá nhân, Bboy (chàng trai nhảy Breakdance) Chu Văn Huân thường chào ngày mới bằng thực đơn sẽ có trong ngày của Bếp Huân Sài Gòn. Cuối ngày có bản tổng kết ví dụ như : 700 phần bánh bao và cơm đã phát đi đến những người vô gia cư; 50 phần quà hỗ trợ khu vực Thủ Đức; 33 phần quà cho gia đình trọ Gò Vấp khó khăn;14 phần quà cho cô chú khiếm thị Hóc Môn.

Ngày ngày trong đợt giãn cách, trong bộ đồ nilon xanh kín mít, Huân phóng vèo vèo trên đường phố vắng vẻ, cứ bắt gặp người khuyết tật, người lang thang cơ nhỡ là anh phanh gấp, đưa hộp cơm, hỏi thăm thấy tình hình họ quá khó thì đưa thêm cho họ ít tiền.

Huân kể, trước đây anh phụ dì ruột ở quán cháo sườn. Khi thành phố giãn cách xã hội, hàng quán phải đóng cửa, Huân bàn cùng mẹ, dì mở bếp ăn từ thiện cho người khiếm thị. “Mẹ tôi là người khiếm thị, mẹ có tôi mà đi lại trong nhà còn thường xuyên bị cộc bươu đầu. Người khiếm thị nghèo khó, cô đơn họ khổ đến thế nào trong dịch bệnh”. Đợt đầu Huân đưa cơm đến từng nhà người khiếm thị sau đó được một số mạnh thường quân ủng hộ, tăng suất ăn thêm cho người khuyết tật, người nghèo trong khu cách ly. “200 suất /ngày hết veo, tăng lên 700 suất/ ngày cũng hết trơn”. Từ lúc số ca nhiễm tăng cao, người lao động trả nhà trọ mà không về nổi quê, lượng người vô gia cư tăng mạnh. Tin nhắn xin cơm xin tiền lúc nào cũng đấy ắp trong zalo của Huân. Bếp nhà Huân tăng thành 12 người làm, cùng Huân có 5 shipper chạy đưa cơm mà vẫn thiếu người.

Nhận được rau củ, sữa, nước… từ mạnh thường quân cả nhóm lại tất bật chia vào túi, mang đến những điểm nóng đang kêu cứu. Làm từ thiện với danh nghĩa cá nhân khiến Huân nhiều lần ngậm ngùi. Huân xin từ một người quen được 5 thẻ Tình nguyện viên giúp cả nhóm di chuyển trong thành phố. Thẻ này sau bị làm giả nhiều nên có chốt không công nhận.

Mang quà đến nơi có dân cầu cứu không phải lúc nào cũng dễ dàng, có nơi chính quyền địa phương yêu cầu trình giấy tờ, nghi ngờ từ thiện lừa đảo, tụ tập đông người khiến dịch lây lan. Các thành viên trong bếp Huân đã được tiêm vắc-xin, bản thân Huân mặc bộ nilon bảo vệ cả ngày nhưng “tối về nhà tôi vẫn lo nơm nớp sợ mang virus về cho người thân”.

Huân không có công ty, không thuộc tổ chức nào, mọi người tài trợ tiền hay thực phẩm đều thông qua trang cá nhân của Chu Văn Huân S3C (S3C là nghệ danh trong nhóm nhảy). Có lần nhóm Huân đi ra bến xe nhận rau từ Đà Lạt gửi về. Trên xe tải có cả một số lượng rau củ lớn của mạnh thường quân gửi cho một nữ nghệ sỹ nổi tiếng làm từ thiện. Xảy ra sự cố hiểu nhầm ở khâu chia hàng, nữ nghệ sỹ tỏ thái độ khinh thường nhóm vô danh: “đã đi xin rồi còn láo”. Huân “cay mũi” lắm vì nhóm anh đặt mua rau ngon cho bếp chứ đâu có xin. “Bọn tôi “thấp cổ bé họng” nên cũng đành im chẳng muốn gây chuyện với họ làm gì”. Mới đây, một nhóm bạn facebook từ Hà Nội chuyển khoản ủng hộ bếp 30 triệu. Huân và gia đình vui và biết ơn lắm nhưng có chút băn khoăn vì không biết lấy hóa đơn mua thực phẩm ở đâu chứng minh với các nhà tài trợ. Thịt mua của bà con mới có giá 150 nghìn/ kg, nếu mua siêu thị có hóa đơn thì mất 180 nghìn /kg.

Trong lúc giãn cách, nhiều đơn vị vận tải, vận chuyển chặt chém khiến mỗi hộp cơm giá đội lên. Một bạn từ Lâm Đồng gửi tặng cho bếp 100 cân rau trị giá 450 nghìn nhưng Huân ra nhận phải trả 730 nghìn tiền cước phí.

“Hiphop your love” (Hiphop tình yêu của bạn)

Trên đường đi phát cơm cho người vô gia cư, Huân tình cờ phát hiện ra một thanh niên có dáng vẻ Bboy. Hỏi ra thì đúng, anh bạn từng là rapper tên Phúc... Hai em rủ nhau “đấu nhảy”, tự quay clip cho nhau trên đường phố ướt mưa. Phúc rap một bài về tiền, Huân đăng lên trang với status nhận được vô số lượt thích: “Bạn nghĩ vô gia cư thì không thể rap? Nghe mà thấm như bị đấm vì nó ngấm như chất cấm”.

Người dân sống gần đó kể Phúc bị tâm thần hoang tưởng, lúc tỉnh lúc mơ, mẹ mới mất nên bỏ nhà đi lang thang. Có lần Phúc bị dân phòng đuổi đánh vì nhầm là kẻ chống đối. Huân nảy ý tưởng lập quĩ “Hiphop your love” để hỗ trợ nghệ sĩ hip hop có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ sau vài ngày, quĩ của Huân đã hỗ trợ tiền cho một Bboy làm đám tang cho ba mất vì covid và một bạn ở Nha Trang cần tiền trị bệnh cho cha.

Nói đến hip hop, Huân hào hứng hơn bao giờ hết. S3C (Si Ba Chao) thuộc lứa Bboy đời đầu của miền Nam. Năm 2008 anh Chao (tên gọi tắt của Huân) được phong là “vua ngựa” bởi sở hữu độc quyền chiêu “đá ngựa” trong vũ đạo Breakdance. Chao từng đi thi đấu tại nhiều nước ở châu Á, chỉ nhận truyền nghề cho học sinh nào có phong cách “quái vật” như thầy. Bboy từng sống được bằng nghề cho đến lần bị tai nạn giao thông. Hiện tại anh vẫn tham gia cho vui cùng 3 nhóm nhảy khác nhau. Cách xả stress tốt nhất cho một Bboy là một điệu nhảy. Chọn chỗ không người bật nhạc điện thoại, phiêu trong 15 giây là thăng bằng trở lại.

Dù bận quay cuồng, thỉnh thoảng Huân vẫn ghé chỗ cũ tìm Phúc. Giờ Phúc đã chuyển chỗ trú ở gầm cầu. Phúc khoe “em đang chế ra một thanh từ trường để bay lên không trung”, Lần gần nhất, Phúc lại gọi điện bảo Huân “em đã tìm ra một người bạn rap chung, anh đến ghi âm cho tụi em”. Huân đồng ý luôn.

Bboy 32 tuổi đã học được nghề nấu cháo từ dì. Anh còn một dự định khác đó là hết dịch sẽ quay về Duy Linh (Lâm Đồng) lập trang trại trồng rau. “Tôi kiếm tiền để nuôi đam mê nhảy và làm từ thiện”.