Bệnh viện lập khống hồ sơ để... nâng cao thu nhập nhân viên?

TPO - Tiếp tục phiên xét xử vụ lập khống 13 nghìn hồ sơ xảy ra tại bệnh viện Bưu điện TPHCM, bị cáo Phạm Anh Sửu (nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán) thừa nhận hành vi nâng khống hồ sơ bệnh án là sai. Tuy nhiên, bị cáo vẫn thực hiện là vì muốn có tiền chi thêm lương cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
3 bị cáo tại phiên tòa chiều ngày 28/3. Ảnh: Tân Châu

Chiều 28/3, tiếp tục phiên tòa xét xử Trương Anh Kiệt, nguyên giám đốc Bệnh viện Bưu điện cùng Phạm Anh Sửu (nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán) và Trương Bích Nguyệt (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp) tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trả lời HĐXX và các luật sư, bị cáo Trương Anh Kiệt biện dẫn rằng, nguyên nhân dẫn tới sai phạm là do muốn người bệnh và cán bộ nhân viên bệnh viện, có điều kiện chăm sóc sức khỏe và đời sống tốt hơn.

Tận dụng các quy định của VNPT về mức quyết toán và hỗ trợ cho bệnh nhân (Theo Quyết định 385/QĐ-KHĐM của VNPT, VNPT quyết toán kinh phí cho điều trị nội trú là 196 ngàn đồng/người; điều dưỡng, phục hồi chức năng nội trú là 164 ngàn đồng/người. VNPT cũng quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân 30 ngàn người/ngày, sau đó nâng lên 50 ngàn đồng/người).

Trương Anh Kiệt khai đã chủ trương tạo nguồn tiền sử dụng chung cho bệnh viện bằng việc ‘khai thác’ các quy định trên của VNPT.

Để thực hiện ý đồ, Kiệt đã chỉ đạo giao chỉ tiêu giường bệnh hàng năm cho các phòng, khoa điều trị khám chữa bệnh của bệnh viện. Qua đó nâng khống số bệnh nhân và thời gian điều dưỡng, điều trị để lập hồ sơ khống, nhằm quyết toán tiền với VNPT.

Kiệt cũng thừa nhận là được VNPT quyết toán trong 3 năm (2009 – 2011) gần 28 tỷ đồng, trong đó tiền giường điều dưỡng, điều trị nội trú là 22 tỷ đồng, quyết toán khống tiền ăn phục vụ điều dưỡng, điều trị là 5,7 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, Kiệt xác nhận như cáo trạng đã nêu, qua đó Kiệt đã ký chi gần 7,4 tỷ đồng cho công vụ phí; trên 5,7 tỷ đồng tiền ăn phục vụ hoạt động điều dưỡng, điều trị nội trú; gần 14,6 tỷ đồng chi cho lao động.

Trả lời HĐXX, Kiệt cho rằng chủ trương này do bị cáo đưa ra “nhưng mà các phòng, ban được điều chỉnh kế hoạch”, Kiệt trình bày. “Kế hoạch” mà Kiệt nói chính là chỉ tiêu kê khống bệnh nhân, gường nằm…

Đáp lại lời Kiệt, Trương Bích Nguyệt (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp) cho rằng, các phòng, ban không có quyền điều chỉnh đó.

Cũng theo Trương Bích Nguyệt, bị cáo này khai là đã nhận ra hành động khai khống để lấy tiền của VNPT là sai từ trước, bị cáo đã hai lần từ chức, tuy nhiên đơn của bị cáo không được giám đốc và chi bộ chấp nhận.

Bị cáo Phạm Anh Sửu (nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán) trả lời HĐXX là thừa nhận hành vi nâng khống hồ sơ bệnh án là sai. Tuy nhiên, bị cáo vẫn thực hiện là vì muốn có tiền chi thêm lương cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Một tình tiết đáng lưu ý là tại phiên tòa, đại diện VNPT tham dự với tư cách nguyên đơn dân sự, cho rằng VNPT thiệt hại gần 28 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 15/12/2014, VNPT đã có Quyết định thu hồi toàn bộ số tiền quyết toán trái chế độ của vụ án, bằng hình thức… đối trừ các khoản phải trả cho Bệnh viện Bưu điện 22,1 tỷ đồng. Bệnh viện đã nộp về VNPT 2 tỷ đồng khắc phục. Tổng số tiền VNPT đã hạch toán thu hồi là 24,1 tỷ đồng, số tiền còn phải thu hồi là 3,6 tỷ đồng.

Với cách ‘giải quyết’ thu hồi khắc phục hậu quả như vậy, đại diện VNPT tại tòa cho rằng “hậu quả vụ án đến nay khắc phục gần hết”!

Đáng lưu ý là, ngày 6/4/2014, Vụ thực hành quyền công tố và VKS điều tra án tham nhũng, ra công văn yêu cầu VNPT thu hồi toàn bộ số tiền theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tài sản cho nhà nước.

Khi luật sư bị cáo đề nghị trả lời cho HĐXX về quan điểm của đại diện VNPT liên quan tới 3 bị cáo, đại diện VNPT tại tòa nói rằng “sẽ có quan điểm, nhưng mà sẽ nêu khi HĐXX cho nói”.

Do thời gian ngày xét xử đã hết, Chủ tọa phiên tòa nói rằng, ngày mai (29/3), HĐXX sẽ cho các luật sư tham gia xét hỏi nguyên đơn dân sự (VNPT), Tòa cũng sẽ nghe đại diện VNPT tại tòa nêu ý kiến của mình.

Một tình tiết đáng lưu ý là, vào lúc phiên tòa đang diễn ra, bên dưới phòng xử, một người dự tòa đã bất ngờ căng biểu ngữ… ‘cám ơn bác sĩ Trương anh Kiệt”.

Ngay lập tức, Chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Hà Phi Long – đã cho mời ngay đương sự lên nhắc nhở...

Cáo trạng khẳng định, từ năm 2009 đến hết năm 2011, Trương Anh Kiệt đã chỉ đạo các phòng, khoa khám chữa bệnh của bệnh viện, làm trái công vụ, vì động cơ vụ lợi tập thể, lập khống 13 ngàn hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú để quyết toán khống số tiền trên 22 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ tiền ăn phục vụ hoạt động nội trú 5,7 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Kiệt và các đồng phạm gây thất thoát cho nhà nước gần 28 tỷ đồng.

Trương Anh Kiệt là chủ mưu, Phạm Văn Sửu là Trương Bích Nguyệt là đồng phạm, cả 3 bị cáo đều bị truy cứu cùng tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.