Cả giáo viên và học sinh cùng… diễn
Thực tế, đúng là các cuộc thi giáo viên dạy giỏi đang tạo nên áp lực cho người dạy, đồng thời, là “sàn diễn” mà các “diễn viên” chính là giáo viên và học sinh.
Từ chuẩn bị bài soạn đến phương pháp, hình thức tổ chức phải sáng tạo mà học sinh phải tiếp thu được. Trong khi việc này lại phụ thuộc vào trình độ của giáo viên và học sinh. Theo giáo viên này, khi bốc thăm lịch dạy thì đây đúng là cuộc thi diễn. Giáo viên học sinh trở thành “diễn viên”, còn đằng sau là tổ tư vấn (chính là các “đạo diễn”).
Giáo viên nào đi thi cấp thành phố thì đúng là cực kỳ vất vả. Vì trong một năm học, phải trải qua 3 cuộc thi giáo viên giỏi: Cấp trường, cấp quận, huyện và cấp thành phố. Riêng thi cấp quận đã 2 vòng thực hành, 1 vòng lý thuyết, giáo viên mất 1 tháng chỉ để thi cấp quận. Sau đó thi tiếp thành phố thì ít nhất cũng phải nửa tháng nữa. “Lớp nào “có giáo viên thi thành phố thì đúng là “đen”. Vì coi như học sinh bị buông bỏ khoảng 2 tháng.
Giáo viên khác dạy thay và trong tình trạng lớp chuyên học bù, đuổi bài” - vị giáo viên này khẳng định. Không những thế, trong năm học, ngoài thi giáo viên giỏi (là hoạt động chủ yếu) thì giáo viên còn phải tham gia các cuộc thi viết trên giấy khác như An toàn giáo thông, Bảo vệ nụ cười trẻ thơ, các kiểu luật dân sự sửa đổi. Điều giáo viên này mong muốn nhất là dẹp bỏ các cuộc thi để giáo viên tập trung vào chuyên môn rèn học sinh.
Từng là 1 giáo viên đứng lớp, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục tại TPHCM cũng rất hiểu áp lực mà những cuộc thi mang lại đối với giáo viên. Các cuộc thi phong trào đều đưa về trường. “Giáo viên gánh nhiều thứ trên vai lắm. Giáo viên tiểu học, THCS là vất vả nhất. Hết phong trào nọ đến phong trào kia. Của trường cũng có, của phường cũng có, quận cũng có, thành phố cũng có, quốc gia cũng có” - Bà Tô Thụy Diễm Quyên nói.
Bà cho biết, thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên phải chuẩn bị tiết dạy đó rất mất thời gian. Mà không phải chỉ giáo viên đi thi chuẩn bị, cả trường xúm vào chuẩn bị cùng cho một người đi thi. 1 giáo viên đi thi, nhưng có khi lấy học sinh 4,5 lớp của người khác để dạy đi dạy lại bài đó. Theo bà Quyên, như thế là diễn kinh khủng luôn. Bà cũng cho rằng xét về mặt tác động, cuộc thi phá hủy động lực.
Vì họ đạt đến một giải nào đó rồi là không cố gắng nữa, dùng giải thưởng đạt được đó như lương khô dự trữ “ăn dần”. Mọi người coi họ như cây đa cây đề và ngồi luôn ở đó, không xuống nữa. Nhưng không có cuộc thi người ta cũng không có động lực. Nhiều người tập trung cho cuộc thi để lấy thành tích, là mũi nhọn của trường.
Vì vậy nên không chú tâm dạy học. Không những thế, bản thân giáo viên lấy thành tích để làm bàn đạp để lên vị trí nào đó....”Nhưng khổ nhất là những đứa trẻ. Các em phải gánh trên vai tất cả kỳ vọng của người lớn. Đứa trẻ phải có trách nhiệm làm tất cả để người lớn hài lòng” - bà Tô Thụy Diễm Quyên bộc bạch.
Bỏ các cuộc thi giáo viên giỏi
Đồng quan điểm này, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, trường Marie Curie Hà Nội cho rằng thi đua có hai mặt như một tấm huân chương: mặt trước bóng bẩy, mặt sau xù xì. Đã thi đua và để được khen thưởng thì phải có thành tích. Trong thực tế có thành tích thật, có thành tích ảo. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng, thi đua, khen thưởng đã sinh ra một loại bệnh - “Bệnh thành tích”.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh này là: phô trương hình thức; gian dối (tốt thì phóng đại lên, xấu thì thu nhỏ lại, thậm chí che giấu); thủ đoạn (bằng mọi cách để đạt mục đích)... Ngành giáo dục đã từng phát động “Nói không với bệnh thành tích”. Nhưng bệnh không thuyên giảm mà có xu hướng ngày một trầm trọng hơn. Vậy có nên thi đua nữa không?
Nhiều người muốn bỏ thi đua vì đó là nguồn gốc sinh ra “bệnh thành tích”. Nhưng nhà giáo Khang cho rằng rất khó bỏ thi đua. Vì thi đua đã được luật hoá thành chính sách của Nhà nước; đã có quy trình chuẩn hoá và bộ máy làm việc hoàn chỉnh; đã thành thói quen từ nhận thức đến hành động... Thi đua là “động lực” là “mục tiêu” của mọi người. Trong ngành giáo dục, thi đua đã tạo nên áp lực rất lớn cho giáo viên, cho nhà trường.
Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang có thể bỏ mấy việc sau đây để giảm áp lực không cần thiết : Không áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định; Bỏ khen thưởng ở cấp cơ sở, quận/huyện, tỉnh/thành phố... Chỉ giữ lại khen thưởng ở cấp Trung ương (Bộ, Chính phủ).
Bỏ các cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi”; “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, “Tổng phụ trách giỏi”... các cuộc thi này đã không còn thực chất, gây áp lực cực kỳ lớn cho giáo viên; Bỏ việc “Dự giờ theo chuyên đề cấp quận/huyện”; Bỏ việc kiểm tra cấp phòng, cấp sở các loại sổ sách của giáo viên, của trường. Trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục về việc này. “Được chừng ấy, giáo viên sẽ có thêm thời gian và công sức tập trung cho việc dạy dỗ và chăm sóc học sinh” - nhà giáo Nguyễn Xuân Khang khẳng định.
Còn bà Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng muốn triệt tiêu bệnh thành tích thì phải thay đổi cách đánh giá con người. Không có tiêu chí về thành tích thì giáo viên sẽ không quan tâm đến nữa, họ sẽ quan tâm đến chiều sâu, đến sản phẩm cuối cùng là học sinh sẽ thay đổi như thế nào, tư duy như thế nào. Hiệu trưởng đánh giá giáo viên ở mặt nào để họ không phải chạy đua theo thành tích.
Chỉ cần thay đổi cách đánh giá thì bệnh thành tích sẽ giảm đi. Bộ GD&ĐT đã có cải tổ chuyện này như cắt các cuộc thi giáo viên giỏi cấp quốc gia. Bộ trưởng cũng đã nhìn được căn bệnh kinh niên của giáo dục. Đây là tín hiệu tốt phải nhìn nhận. Muốn bỏ hẳn phải tập trung đội ngũ các nhà tâm lý học hàng đầu của Việt Nam để rà soát lại tất cả các văn bản quy định tác động đến học sinh. Vì những quy định này đang phá hỏng nền tảng giáo dục. Tiêu chí thi đua trong nhà trường cần được xem xét lại. Không thể mỗi trường “đẻ” ra một kiểu như hiện nay.