Ngày 17/2, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM xác nhận, trên địa bàn thành phố vừa có một ca bệnh tử vong nghi do nhiễm não mô cầu. Trước đó, ngày 10/2 bệnh nhi 30 tháng tuổi này nhập viện điều trị với các biểu hiện đau đầu, sốt cao, nổi ban....Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhi không qua khỏi.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Y tế Dự phòng quận 8 đã thực hiện báo cáo nhanh gửi đến Sở Y tế xin ý kiến chỉ đạo về công tác khoanh vùng dịch đồng thời tuyên truyền phòng chống bệnh não mô cầu cho người dân quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. Sở Y tế TPHCM cũng lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả test nhanh tại bệnh viện Nhi Đồng 1 âm tính nhưng để có kết quả chuẩn xác nhất về bệnh Sở Y tế đã gửi mẫu xét nghiệm đến Viện Pasteur.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết việc thăm khám lâm sàng cho thấy bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau đầu, nổi ban nên nghi ngờ bị não mô cầu nhưng chưa xác định.
Bác sĩ Khanh cho biết, não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidisgây ra. Đây là loại vi khuẩn thường trú ở vùng hầu họng khi có điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ vì ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. “Não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, 2 nhóm tuổi dễ bị nhiễm não mô cầu là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 tuổi đến 20 tuổi”- bác sĩ Khanh cảnh báo đồng thời vi khuẩn não mô cầu có thể tấn công vào bất kỳ cơ quan nào của cơ thể để gây bệnh.
Theo các chuyên gia khi dấu hiệu và triệu chứng dễ nhận biết của bệnh tùy thuộc vi khuẩn xâm chiếm vào cơ quan nào của cơ thể như hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, hệ tiết niệu sinh dục, máu, da…
Tuy nhiên, hai bệnh cảnh thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu với các biểu hiện đặc hiệu sốt cao đột ngột 39oC đến 40oC; đau đầu dữ dội, nhất là vùng trán và sau gáy; cổ cứng; nhiễm trùng huyết, xuất hiện tử ban, nguy cơ tử vong cao.
Hiện viêm não mô cầu đã có vắc xin chủng ngừa, do đó để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, ngành y tế khuyến cáo cộng đồng nên chủ động chích ngừa để phòng bệnh; giữ vệ sinh môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng mát. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, súc miệng, rửa mũi bằng nước muối. Cả người lớn và trẻ em khi có biểu hiện nhiễm bệnh, cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp.