Bến sông "mỗi năm một người chết"

Nạn nhân chết đuối tại bến sông khoảng từ 3 đến 16 tuổi. Trong 7 năm trở lại đây, mỗi năm lại có ít nhất một người chết đuối.
Ngôi đền Cả bên bến sông "ma ám" gây ám ảnh nhiều người.

Ngôi đền Cả nằm cạnh bến sông thuộc thượng nguồn sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh) được cho là nơi của những cái chết trẻ kỳ bí. Cụ Bảy (84 tuổi), người dân trong vùng quen gọi là cụ Bảy “Ngó đền”, lần lượt liệt kê về cái chết của những đứa trẻ và cả người lớn trong thôn ở bến Cả.

Vào năm 2003, bé trai Đặng Hợp chưa tròn 3 tuổi theo mẹ giặt đồ ở bến, khi chị đang lúi húi với đống đồ thì nghe tiếng bõm, bé Hợp rơi xuống dòng nước đang chảy xiết. Đứa trẻ mất hút trong làn nước mặc cho người mẹ kêu gào thảm thiết.

Vừa tròn một năm sau, người dân thôn Hạ Tứ lại ứa nước mắt bởi cái chết thương tâm của cô học trò nghèo Trần Thị Hiền khi mới 16 tuổi. Hiền dắt trâu ra bến sông tắm, đến tối, mẹ của Hiền không thấy con về, linh tính có chuyện chẳng lành, bà mẹ tất tả chạy đi tìm, khi đến bến Cả chỉ thấy trâu mà không thấy người. Bà cùng mọi người xuống bến sông mò mẫm, đến đêm người ta vớt được xác Hiền lên.

“Bến sông này có nhiều người chết lạ quá, họ cứ chết ở độ tuổi từ 3 đến 16, nên ai cũng sợ, không ai dám tắm hay giặt đồ ở khúc sông này nữa. Cứ mỗi năm lại có một người bị chết đuối, mà đa phần là chết trẻ…”, bà Đặng Thị Đông, một người dân địa phương rùng mình kể.

Bà Lê Thị Nhung, sống trong vùng, cho hay: “Từ thời điểm đó, đi đâu cũng nghe những đồn thổi bến Cả có ma, những oan hồn nơi bến này sẽ còn tiếp tục “lấy đi” sinh mạng của người dân địa phương nếu như chưa chịu tu bổ lại ngôi đền Cả linh thiêng nằm cạnh bến”.

Nghi vấn càng thêm khi ông Thanh (ở Đức Lâm) gần 40 tuổi,vốn thạo nghề sông nước, chèo thuyền đi đánh cá qua đúng chỗ bến này, bất ngờ lật thuyền. Vào thời điểm đó thủy triều đang xuống, đoạn sông nơi ông gặp nạn chỉ sâu chưa đầy một mét nhưng không hiểu sao ông Thanh rơi xuống đó mà không vùng vẫy lên được.

Rồi tháng 7/2006, người dân làng Cả lại phải đưa tang cho bà Phạm Thị Định. Một buổi trưa tháng 7, bà Định mang đồ ra bến giặt, bất ngờ trượt chân. Vốn là dân sống vùng sông nước từ thưở nhỏ nhưng do dòng nước chảy xiết quá mạnh, lại không có chổ bấu víu nên bà cứ đuối sức dần rồi mất hút xuống đáy sông.

Gần đây nhất là cái chết của bé gái Nguyễn Thị Trang (5 tuổi). Trang cùng đám bạn nhỏ chơi trò trốn tìm ở bãi đất cạnh đền. Sau một lúc lâu không thấy Trang đâu, chúng bạn bổ đi tìm thì thấy một chiếc dép của bé nằm sát mép sông, nhiều ngày sau người ta tìm thấy xác bé nổi cạnh bến Cả.

Một nhân chứng sống suýt bị chết đuối tại bến Cả là anh Phan Huy Tuấn (quê ở Lộc Hà, Hà Tĩnh). “Một buổi trưa mùa hè năm 2012, tôi cùng mấy anh em thợ đổ bê tông xuống bến Cả tắm, mọi ngày bơi ở bến khác thì không sao, nhưng không hiểu sao lần đó chân tôi như bị ai giữ chặt, càng vùng vẫy càng bị kéo xuống… Khi tỉnh lại thì tôi đã thấy mình nằm trên giường bệnh ở bệnh viện”, anh Tuấn kể

Ông Bảy “Ngó đền” cho rằng những cái chết định kỳ ở bến Cả là do "ma gia" làm. Ông giải thích: "Theo khái niệm dân gian, “ma gia” chỉ những người chết đuối nước còn “ma thần vòng” chỉ những người treo cổ. Cũng theo quan niệm của người xưa, đây là hai dạng chết giằng xé và đau đớn nhất nên vong hồn không được siêu thoát, làm ma chực bắt người đi theo".

Cụ bà Trần Thị Nghĩa lại cho rằng, những người bị chết đuối dưới bến sông Cả không phải bị ma bắt mà do họ không tôn kính “thần linh” ngụ trong Đền Cả nên bị bắt phạt.

Tuy nhiên, trưởng thôn cho rằng: “Không phải như mọi người đồn thổi, do nơi đây có hoẳm nước sâu hoáy được tạo nên bởi những dòng nước xoáy chảy qua sông cộng với triền bờ quá dốc. Nhất là đối với trẻ con, khi đã lỡ sụt chân xuống thì rất khó để có thể bơi lên. Chỉ trong vòng 7 năm trở lại đây, tại bến Cả có 7 đứa trẻ và cả người lớn tử vong do dòng nước xoáy. Ấy vậy nhưng dân vẫn không tin".

Ông Võ Trình, Chủ tịch UBND xã Bùi Xá, giải thích thêm: “Không riêng gì bến Cả mà các bến sông gần khu vực Đền Cả hàng năm đều có người chết đuối, cũng không chỉ có trẻ con mà cả những người lớn cũng gặp nạn. Người dân ở đây ngoài việc sử dụng hồ lấy nước mang về sử dụng còn thường ra đánh cá, giặt đồ. Hơn nữa, do nước ở bến sạch nên vào mùa nắng không ít người dân, nhất là các cháu nhỏ thường xuyên rủ nhau ra đây đùa nghịch, tắm, đó là nguyên nhân dẫn đến tai nạn”.

Còn ông Vũ Đức Hòa (65 tuổi, sống gần bến) nói: “Điều đáng nói là bến lại quá dốc, lại có khu nước sâu chừng 2 mét nên việc vô ý trượt chân rồi bị nước cuốn là điều dễ hiểu. Thời gian qua, chính quyền xã đã cắm biển báo nguy hiểm ở khu vực nước sâu, nhưng theo tôi như vậy vẫn chưa đủ”.

Theo Theo Pháp luật Việt Nam