Gặp người được Bác Hồ đặt tên
Cuối chiều giữa tháng 5/2023, phóng viên Tiền Phong tìm đến nhà ông Huỳnh Văn Phát (bí danh Huỳnh Phúc Hải) ở ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải. Ông Phát đã 83 tuổi, tóc bạc trắng, từng là một thuyền phó tàu không số thuộc Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân. Vợ chồng ông sống cùng con út và cháu nội trong căn nhà tình nghĩa cấp 4.
Bên trong nhà không có gì quý giá ngoài những bằng Tổ quốc ghi công, huân, huy chương và đặc biệt là ảnh Bác, ảnh tàu không số. “Bình thường đi gặp đồng đội, hay có dịp lễ là tôi cũng mặc quân phục đấy”, ông Phát nói, vừa vào trong nhà, lấy bộ quân phục ra giới thiệu. Sau đó, ông lại cẩn trọng cất đi, bảo, phải giữ gìn cẩn thận để mặc những dịp long trọng, chứ ngày thường mặc “không đúng điều lệnh”.
“Giờ quê hương thay đổi, đời sống bà con được nâng lên, chứ ngày xưa toàn khu vực này là rừng, hoang hóa, không bóng người. Từ nhà này sang nhà khác khá xa, phải đi bằng ghe hay xuồng mới tới được”, ông Phát nói. Ông bảo, thời xưa, chứng kiến cảnh gia đình, người thân bị giặc giết hại, nhất là thời điểm đạo luật 10/59, người dân trong vùng và bản thân ông sục sôi sự căm thù. Ông tham gia du kích xã năm 20 tuổi. Đến năm 21 tuổi (năm 1961), ông được tuyển chọn tham gia Đoàn tàu không số vượt biển ra Bắc bởi ông là người dân xứ biển, rành đánh bắt, bơi lội giỏi, đặc biệt thông thạo địa bàn.
Sông Cổ Chiên bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, chảy theo hướng tây bắc – đông nam, dọc theo ranh giới giữa các huyện Long Hồ (Vĩnh Long) và Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú (Bến Tre). Đến ranh giới ngã ba giữa huyện Châu Thành và huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, sông chia làm hai đổ ra Biển Đông qua 2 cửa sông Cổ Chiên và Cung Hầu. Cho đến nay, hai cái tên Cổ Chiên và Cung Hầu vẫn còn nhiều cách hiểu.
Theo lời ông Phát, lúc đó, có 2 đội tàu, ông tham gia đội 2 vượt biển trên Đoàn tàu không số thuộc đường Hồ Chí Minh trên biển, xuất phát tại cồn Điệp (xã Thạnh Phong) trên chiếc tàu gỗ cánh buồm trọng tải 30 tấn ra miền Bắc để chở vũ khí về cho chiến trường miền Nam. Ông Phát bảo, hải trình trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, khi thì gặp sóng to, gió lớn, khi thì phải chiến đấu ác liệt với kẻ thù. Có những trận đánh nhiều chiến sĩ trên tàu không số dũng cảm hy sinh, nằm lại nơi biển cả.
Sau khi ra đến Hà Nội, ông Phát kể, đoàn được đưa đi tham quan nhiều nơi và được gặp Bác Hồ. “Lúc đó tất cả các thủy thủ tàu không số tập trung ở hội trường để gặp Bác. Mấy chục thủy thủ đoàn hồi hộp chờ giây phút được gặp Bác vì trước đó chỉ thấy Bác qua ảnh. Bác xuất hiện đã ân cần hỏi thăm, bắt tay từng người một. Lúc ấy tôi là người trẻ nhất trong đoàn. Bí danh Huỳnh Phúc Hải của tôi là do chính Bác Hồ đặt để hoạt động cách mạng”, ông Hải hào hứng kể…
Những “gã khổng lồ” ven biển
Nhà ông Phát ở cồn Lợi, cách mép biển chưa đầy cây số, xung quanh là các trụ điện gió sừng sững như những gã khổng lồ. Ông Phát bảo, lúc cánh quạt quay, nghe như tiếng máy bay. Dù thế, ông và nhiều người dân địa phương kỳ vọng, nó sẽ mang lại làn gió mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có một thực tế, xã Thạnh Hải ven cửa Hàm Luông đang “đi trước” so với xã Thạnh Phong nằm bên cửa Cổ Chiên. Nhiều trụ điện gió mọc lên san sát quay suốt ngày đêm ở khu vực này.
Bí thư Đảng uỷ xã Thạnh Hải bảo, hiện tại trên địa bàn xã có một loạt dự án điện gió, trong đó có dự án đã được hoà một phần vào lưới điện quốc gia, có dự án đang chờ thủ tục. Nếu đưa vào hoạt động toàn bộ, nguồn thu năng lượng sạch sẽ rất lớn. Ông Lâm Toàn Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện uỷ Thạnh Phú cũng bảo, cùng với Thạnh Hải, khu vực Thạnh Phong bên bờ sông Cổ Chiên cũng đang hình thành những dự án điện gió, nhưng đang ở giai đoạn triển khai lắp đặt…
Thạnh Phú là một trong ba huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre có vị trí cửa ngõ hướng ra biển Đông. Huyện nằm giữa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên, được coi là “đắc địa” trong chiến lược phát triển hướng Đông của tỉnh. Đây cũng là vị trí quan trọng của hành lang về kinh tế trung gian giữa các huyện ven biển của Bến Tre với tỉnh Trà Vinh. Xã Thạnh Hải có lợi thế cửa sông và 18 km bờ biển, thu hút mỗi năm 240.000 - 250.000 lượt khách. Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hải cho rằng, “mũi nhọn” trong tương lai ở đây chính là phát triển năng lượng sạch, du lịch và nuôi tôm công nghệ cao. Đến nay xã đã nuôi 230 ha, dự kiến đến 2025 sẽ đạt trên 250 ha, trong tổng số 4.000 ha của huyện. Từ việc phát triển du lịch, các sản phẩm chủ lực của địa phương như tôm, cua cũng được kích cầu phục vụ du khách tạo việc làm cho lao động địa phương.
“Thu về lĩnh vực du lịch năm ngoái trên địa bàn xã đạt khoảng 100 tỷ”, anh Lương nói. Phóng viên hỏi lại vài lần, anh vẫn khẳng định “chuẩn” con số khoảng 100 tỷ. Anh nói, khách du lịch về nhiều, trải nghiệm nhiều hoạt động ở địa phương, mang lại doanh thu khá lớn. Quanh khu vực trung tâm xã, chợ Thạnh Hải, rồi ven đường dẫn về trung tâm xã Thạnh Phong, nhiều hàng quán, nhà nghỉ, khách sạn đã bắt đầu được xây dựng khang trang, đón đầu dòng khách du lịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hải nhìn nhận, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Vì thế, muốn phát triển lâu dài cần quy hoạch tổng thể từ hạ tầng đến sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ngoài ra, tuyên truyền người dân đồng thuận để thu hút, triển khai các công trình dự án điện gió.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lâm Toàn Thắng bảo, trong định hướng thời gian tới, sẽ có các dự án kè bờ biển, phát triển các tua, tuyến du lịch hướng tới các địa chỉ đỏ thuộc xã Thạnh Hải, Thạnh Phong như cồn Bửng, tượng đài vận chuyển vũ khí Nam Bắc, tượng đài đường Hồ Chí Minh trên biển. Cùng với đó, ông Thắng cho biết, trong tương lai, có lẽ cần có thêm một số dự án nạo vét để đảm bảo cho tàu, thuyền ra vào luồng lạch, góp phần gìn giữ và phát triển nghề cá. “Việc đầu tư tuyến đường bộ ven biển kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng của tỉnh mà hứa hẹn tạo nên sự đột phá lớn về phát triển kinh tế cho tỉnh. Khi tuyến đường ven biển hình thành, cầu Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên nối nhịp đôi bờ, phá thế độc đạo bằng phà sẽ góp phần đánh thức những tiềm năng thế mạnh của vùng cửa sông Cổ Chiên, Hàm Luông, mang lại một diện mạo mới cho cả vùng”, ông Thắng nêu.
(Còn nữa)