> Uẩn khúc cháu bé mất tích trong bệnh viện phụ sản
Trách nhiệm của bệnh viện tuỳ thuộc kết quả điều tra
Ông Trần Quốc Việt - Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương thay mặt lãnh đạo bệnh viện cùng trưởng phòng tổ chức cán bộ, trưởng phòng hành chính quản trị, trưởng phòng công tác điều dưỡng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp và trưởng khoa Sản 2 gặp mặt người nhà cháu bé mất tích và cơ quan điều tra.
Ông Vũ Đức Toàn, em trai của bà nội cháu bé cho biết, hiện cả gia đình rất bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm của đội ngũ y bác sỹ bệnh viện. Ông Toàn phân tích, sau khi cháu bé bị người mặc áo trắng bế đi mất, người nhà và sản phụ quá lo lắng, nhiều lần hỏi các y bác sĩ của bệnh viện nhưng chỉ nhận được những câu trả lời như " yên trí, không sao cả, con rồi sẽ về với mẹ".
Anh Đặng Tiến Thành, em chị Trần Thị Thơm (mẹ bé mât tích) lên tiếng : “Thời gian xảy ra vụ bế mất cháu bé là 10 giờ. Lúc này, theo quy định của bệnh viện, người bên ngoài không được vào, vậy mà người phụ nữ mặc áo trắng vẫn vào được, còn hỏi các sản phụ nằm cùng phòng, và lật số của một số cháu bé trong phòng...".
Phụ nữ này là ai? Tại sao lại có mặt được trong bệnh viện vào lúc đó và tại sao người của bệnh viện lại không phát hiện ra sự việc? - Anh Thành nêu câu hỏi.
"Chị Thơm sinh nở trong bệnh viện, vẫn đang điều trị trong bệnh viện, mà lại xảy ra sự cố mất cháu bé thì bệnh viện phải có trách nhiệm như thế nào với gia đình?" - Anh Thành nói.
Trả lời những thắc mắc của người nhà cháu bé, ông Trần Quốc Việt cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra việc như thế này ở bệnh viện.
"Đây là việc xảy ra ngoài mong muốn của chúng tôi. Thực sự chúng tôi rất buồn. Chúng tôi xác định đây là loại hình tội phạm mới, đã báo cáo công an ngay sau khi sự việc xảy ra... Công an xác định đây là vụ trọng án, mà đã là trọng án thì toàn quyền giải quyết thuộc thẩm quyền cơ quan công an. Bệnh viện có trách nhiệm phối hợp và đáp ứng yêu cầu của cơ quan công an, để làm sao trong thời gian nhanh nhất có thể tìm thấy cháu bé. Tìm thấy cháu bé không chỉ là niềm mong muốn của gia đình, bạn bè, mà cũng là niềm mong muốn của chúng tôi".
Cháu bé đã được xét nghiệm trước khi mất tích
Bà Vũ Thị Quyết (bà nội cháu bé) nói trong xúc động: Mấy năm chạy chữa, cháu Thơm mới sinh nở được, vậy mà giờ lại xảy ra cơ sự này. Bà Quyết đặt nghi vấn về việc sáng 3 – 11, khi khám cho Thơm, một bác sỹ dặn chiều cùng ngày sẽ có người đến bế cháu đi xét nghiệm. Bà Quyết thắc mắc rằng, đây là sự trùng hợp hay có uẩn khúc ?
Trả lời vấn đề này, Trưởng khoa Sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Bác sỹ Trần Thị Tuyết Lan - cho biết: "Tất cả các cháu bé mới sinh đều được xét nghiệm bệnh rối loạn chuyển hoá bằng máu gót chân. Thông thường, sau khi tắm xong, các nhân viên lấy máu gót chân của các cháu bé để làm xét nghiệm.
Sáng hôm đó ( 3 - 11), bác sỹ Phong là người điều trị cho sản phụ Thơm có chỉ định "trưa nay lấy máu xét nghiệm cho bé nhé", đồng thời ghi vào sổ và nói cho chị Thơm biết. Các nhân viên cứ theo cuốn sổ đó để mang đi làm xét nghiệm máu cho bé.
Hôm đó, phòng số 6 là phòng tắm sau cùng, nên các cô giữ lại luôn để lấy mẫu máu rồi sau đó tiếp tục bế các bé ở những phòng khác đến làm xét nghiệm máu.
"Lúc 10 giờ 15, các cô ấy đã trả cháu về giường cho mẹ và còn đứng khai thác phiếu máu. Các cô có dặn tắm và lấy máu xét nghiệm cho bé rồi nhé nhưng mẹ cháu không nghe thấy, nhưng giường bên cạnh có nghe thấy thế" - Bác sỹ Lan cho biết.
Theo bác sỹ Lan, hôm qua, bệnh viện cũng đã trình công an tiêu bản máu của cháu bé.
Bác sỹ Lan cho rằng, đến 10 giờ 30 phút, có một người mặc áo trắng, quần bò, đội mũ giống mũ giấy màu xanh, đeo khẩu trang bảo đến bế cháu đi lấy mẫu máu xét nghiệm thì mẹ cháu tưởng bé chưa làm xét nghiệm. Lúc người phụ nữ lạ này đi vào giường thì một người nhà của chị Thơm cũng chạy lên. Hôm qua, chị người nhà này có kể với cơ quan điều tra rằng, còn thấy người phụ nữ mặc áo trắng đứng chờ chị Thơm đội mũ cho cháu bé và bế đi.
Lúc ấy, bác sỹ Lan kể tiếp, chị người nhà định đi theo nhưng phụ nữ này nói "Không cần đâu, em cứ ở đây đi, lấy máu xong chị sẽ bế cháu về giường". Người đó bế cháu bé về phía nhà vệ sinh, không phải phòng xét nghiệm. Sơ xuất của chúng tôi là không cho người nhà bệnh nhân biết phòng lấy mẫu máu ở phòng nào.
Đến lúc không thấy cháu bé trở lại, người nhà đi hỏi thì tưởng lấy máu ở khoa sơ sinh. Khi đến khoa sơ sinh, người ta mới tìm xem có số này lấy máu không.
Khoa sơ sinh tưởng bé này nằm ở nhóm đối tượng xét nghiệm khác chứ không phải xét nghiệm rối loạn chuyển hoá lấy máu gót chân. Trong lúc đi tìm, Khoa sơ sinh trả lời người nhà rằng, cứ từ từ, bình tĩnh để đi tìm.
Bác sĩ Lan cho biến, trưa hôm đó, phải đi họp chi bộ: "Đến lúc 1 giờ rưỡi, sau khi họp xong , tôi không trở về khoa mà đi khám bệnh thì bắt đầu thấy nhân viên gọi điện báo tin, tôi lo lắng vô cùng. Ngay sau đó, tôi đã gọi điện báo với cấp trên và báo cơ quan công an".
Theo đại diện cơ quan điều tra, ngay sau khi vụ việc xảy ra, bệnh viện đã báo cáo kịp thời với cơ quan công an phường. "Nhận được thông tin, chúng tôi đã báo cáo với công an quận và công an thành phố. Hiện tại, chúng tôi tập trung rất nhiều lực lượng phục vụ công tác điều tra".
Cơ quan điều tra cũng khẳng định: "Chúng tôi chỉ thông báo với gia đình rằng, chúng tôi đang tập trung lực lượng điều tra, mong muốn trong thời gian sớm nhất có thể tìm được cháu về cho gia đình. Khi nào xác định được vụ việc, nội dung cụ thể ra sao, sẽ xác định trách nhiệm của những người liên quan".
Đại diện cơ quan điều tra cũng cho biết, chiều 3 - 11, đã mời toàn bộ nhân viên y tế trong kíp trực buổi chiều xảy ra vụ việc để lấy thông tin đến 23 giờ. "Nhân viên bệnh viện thuộc quyền của bệnh viện, chưa thể tạm giữ hay tạm giam nếu chưa có kết luận phạm tội" - Vị đại diện này cho hay.
Cuộc gặp diễn ra từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới kết thúc. Các thành viên trong gia đình cháu bé đều không đồng tình với cách trả lời chung chung, giải thích vòng vo từ phía bệnh viện. Đại diện của gia đình yêu cầu bệnh viện trong thời gian sớm nhất sắp xếp một cuộc gặp với Giám đốc bệnh viện để làm rõ sự việc và có giải pháp cũng như trách nhiệm cụ thể với gia đình