Cụ thể, ông Tuấn cho hay, các bệnh nhân được chia 2 nhóm: Chạy thận vào ngày chẵn ( thứ 2, 4, 6) và ngày lẻ (thứ 3, 5, 7). Những bệnh nhân có lịch chạy thận trong ngày 30/3 đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2. Các ca tiếp theo sẽ lấy mẫu xét nghiệm trong những ngày tiếp theo.
Là những người ra vào Bệnh viện Bạch Mai hàng ngày, bệnh nhân thuộc “xóm” chạy thận cạnh bệnh viện này thấp thỏm. Ông Mai Anh Tuấn, trưởng nhóm bệnh nhân chạy thận tại đây cho biết, “xóm” có 131 bệnh nhân sống trong khoảng 50 phòng trọ chật chội, ẩm thấp. “Trước thông tin bệnh viện Bạch Mai nội bất xuất, ngoại bất nhập, chúng tôi rất bối rối, lo lắng. Rất may, bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp tiếp nhận chúng tôi vào chạy như ngày thường”. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay nhiều bệnh nhân đang đợi lãnh đạo bệnh viện, Bộ Y tế xét nghiệm, cách ly.
Nhiều bệnh nhân cho biết, nếu họ phải cách ly, họ rất muốn được cánh ly tại chỗ, gần bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục chạy thận. Bà Nguyễn Thị Sự, 70 tuổi, đã chạy thận 10 năm (quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) rất lo lắng vì trong người mang sẵn bệnh, bị COVID-19 sẽ rất nguy hiểm. Vưa gấp sẵn quần áo, chuẩn bị tư trang, thuốc men để sẵn sàng lên đường cách ly, bà nói: “Nếu phải cách ly cho chúng tôi cách ly ngay tại đây”, bà Sự nói.
Theo “Trưởng xóm” Mai Anh Tuấn, khó khăn nhất của xóm bây giờ là khó khăn trong việc kiếm sống. Chị Nguyễn Thị Thuật quê ở Lâm Thao (Phú Thọ) năm nay 47 tuổi, đã 14 năm một thân một mình chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai từ tiền bán nước chè trong trong Bệnh viện Bạch Mai nay phải nghỉ việc. Nay chị ở nhà muối lọ dưa, quả cà để bán cho người trong xóm, mỗi ngày thu nhập khoảng 10.000- 20.000 đồng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, GĐ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại, Khoa Thận nhân tạo của bệnh viện vẫn đang hoạt động, tất cả đối tượng chạy thận nhân tạo trong Bệnh viện đã kê khai y tế, dịch tễ, cam kết tự cách ly theo đúng hướng dẫn. Bệnh viện cũng đã thống nhất với phường có bệnh nhân thận nhân tạo, phối hợp giám sát bệnh nhân chạy thận xong phải về nhà, khi vào Bệnh viện chạy thận cũng đi bằng 1 lối riêng, có nhân viên hướng dẫn, tuyệt đối không đi lại trong bệnh viện. Những biện pháp này nhằm giảm nguy cơ đưa nguồn từ nhiễm bệnh từ ngoài vào.